Triển khai hơn 10 năm qua, dự án trại giống thủy sản chất lượng cao giờ bị bỏ hoang. Đây từng được biết đến là trại cá giống lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, được đầu tư hơn 170 tỷ đồng trên diện tích hàng trăm ngàn mét vuông thu hồi từ đất “bờ xôi ruộng mật”, giờ trở thành một “đống nợ khó đòi” của cả ba đơn vị tín dụng ở miền Tây Nam Bộ. Nông dân bị thu hồi đất phục vụ cho dự án vẫn tiếp tục khiếu nại đòi tăng giá bồi thường; chủ đầu tư dự án lại than cá chết, thua lỗ.
Phía sau hàng rào kẽm gai này là dự án trại giống thủy sản chất lượng cao của Công ty TNHH Biofeed, bị “treo” hơn 10 năm qua. Một số nông dân đã vào bao chiếm đất dự án để trồng lúa.
Vay vốn từ ba đơn vị tín dụng
Chủ đầu tư dự án trại giống thủy sản “khủng” nêu trên là Công ty TNHH Biofeed (Công ty Biofeed), do ông Trương Thanh Phương làm giám đốc, đóng tại khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh Vĩnh Long ngày 10/3/2008, dự án này được thực hiện tại ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là vùng đất chuyên về nông nghiệp, xưa nay nổi tiếng màu mỡ.
Cũng theo quyết định phê duyệt trên, dự án có tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng, được thực hiện bằng hai nguồn vốn gồm vay tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Vĩnh Long (VDB Vĩnh Long) và vốn tự có của chủ đầu tư. Trong đó, hạn mức tín dụng được VDB Vĩnh Long chấp thuận là 100 tỷ đồng, giải ngân để phục vụ khâu giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Khi bắt đầu triển khai dự án, Công ty Biofeed đã được VDB Vĩnh Long giải ngân 30,5 tỷ đồng thông qua hình thức đảm bảo tài sản bằng 19 “sổ đỏ” với tổng diện tích đất 77.558m2 mà Công ty Biofeed đã đền bù, thu hồi được của người dân. Tuy nhiên, từ tháng 11/2009 đến tháng 3/2010, VDB Vĩnh Long buộc phải tạm dừng giải ngân cho Công ty Biofeed do những nông dân bị thu hồi đất cho dự án liên tục đòi nâng giá bồi thường.
Sau đó, Giám đốc Công ty Biofeed đã tìm đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân chi nhánh Vĩnh Long (NCB Vĩnh Long) để xin tiếp tục vay vốn thực hiện dự án trại giống thủy sản chất lượng cao. Theo lãnh đạo công ty này, “việc tìm ngân hàng NCB Vĩnh Long vay vốn để thực hiện dự án là có bàn bạc và được VDB Vĩnh Long nhất trí; tổng số tiền vay của NCB Vĩnh Long cho dự án này là 130 tỷ đồng, nhằm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và được thế chấp bằng bảy sổ đỏ với tổng diện tích hơn 26ha đất của dự án”.
Giữa năm 2019, VDB khu vực Cần Thơ có công văn số 133 gửi cho UBND tỉnh Vĩnh Long, đề nghị hỗ trợ quản lý tài sản đảm bảo được hình thành từ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Theo công văn này, tổng dư nợ của Công ty Biofeed đến ngày 30/4/2019 là 56,7 tỷ đồng, trong đó, dư nợ gốc quá hạn là hơn 25 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 31 tỷ đồng.
Công văn của VDB khu vực Cần Thơ cho biết, trong hai ngày 21/11/2011 và 20/2/2012, chính Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã trình cho UBND tỉnh Vĩnh Long hợp thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty Biofeed theo các quyết định số 196/QĐ-UBND và 233/QĐ-UBND với tổng diện tích hơn 260.000m2. Số diện tích được cấp giấy này đã bao gồm luôn cả diện tích 19 “sổ đỏ” cũ mà Biofeed đã thế chấp cho VDB Vĩnh Long nhưng không thông báo và tổ chức thu hồi, dẫn đến việc Giám đốc Biofeed tiếp tục mang GCNQSDĐ mới thế chấp cho NCB Vĩnh Long.
Công văn của VDB khu vực Cần Thơ khẳng định: “Việc cơ quan quản lý đất đai tham mưu cấp GCNQSDĐ mới cho doanh nghiệp trùng lên phần đất doanh nghiệp đã thu hồi của dân, đồng thời đang thế chấp tại VDB mà không thông báo cho VDB biết là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc Công ty Biofeed sử dụng GCNQSDĐ mới thế chấp ở một ngân hàng thương mại (NCB Vĩnh Long) để vay vốn dẫn đến khả năng thất thoát vốn ngân sách Nhà nước…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc vay của VDB Vĩnh Long hơn 30 tỷ đồng và NCB Vĩnh Long 130 tỷ đồng, Giám đốc Công ty Biofeed Trương Thanh Phương còn được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Long “ưu ái” cho vay thêm 10,5 tỷ đồng mà không cần phải có tài sản thế chấp. “Chúng tôi đầu tư số tiền này vào cơ sở hạ tầng, đào ao nuôi cá giống. Do cá chết, thua lỗ nên từ đó đến nay, tôi không đóng cho quỹ một đồng lãi nào” - ông Phương thừa nhận.
“Điều tiếng ngất trời” từ Biofeed
Ngay từ năm 2019, nhiều cơ quan báo chí ở đồng bằng sông Cửu Long đã liên tục thông tin về những vụ việc lùm xùm ở Công ty Biofeed.
Đơn cử như việc ông Trương Thanh Phương ký hai hợp đồng thế chấp “quyền tài sản” và “quyền đòi nợ” bằng bản án tranh chấp hợp đồng góp vốn trị giá hơn 10 tỷ đồng cho VDB Vĩnh Long. Việc thế chấp bản án trên nhằm thực hiện một phần nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, tiền phí, tiền bồi thường thiệt hại theo các hợp đồng tín dụng của Biofeed với VDB Vĩnh Long. Đây là loại “tài sản” lạ và hai hợp đồng thế chấp trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước đó, khoảng giữa năm 2007, ông Trương Thanh Phương đại diện cho Công ty Biofeed góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Vĩnh Long (Công ty Thủy sản Vĩnh Long) 8,2 tỷ đồng. Trong đó, ông Phương góp vốn bằng tiền mặt hơn 4,5 tỷ đồng, còn lại góp bằng thức ăn nuôi cá quy ra tiền khoảng 3,7 tỷ đồng. Công ty Thủy sản Vĩnh Long có năm thành viên góp vốn, với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng. Đến đầu năm 2008, ông Phương rút vốn một tỷ đồng từ Công ty Thủy sản Vĩnh Long. Kết quả hạch toán kinh doanh năm 2008 cho thấy, Công ty Thủy sản Vĩnh Long lỗ hơn 67,7 tỷ đồng; năm 2009, tiếp tục thua lỗ 60 tỷ đồng; năm 2010, tiếp tục lỗ 45,3 tỷ đồng…
Đến năm 2013, ông Phương khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu Công ty Thủy sản Vĩnh Long trả cho ông phần vốn còn lại là 7,2 tỷ đồng và phải chịu lãi suất 9% mỗi năm. Bản án số 01/2013/KDTM-ST ngày 9/1/2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên buộc Công ty Thủy sản Vĩnh Long phải trả cho ông Trương Thanh Phương tổng số tiền gốc và lãi là 10,38 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 11/2011, Bản án số 01/2011/KDTM-ST của TAND huyện Long Hồ tuyên buộc Công ty Thủy sản Vĩnh Long phải trả cho ông Phương hơn 7,13 tỷ đồng tiền nợ mua thức ăn thủy sản và gần ba tỷ đồng tiền lãi, tổng số tiền phải trả trên 10 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty TNHH Biofeed tại khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 15/11/2013, ông Trương Thanh Phương đã đến văn phòng công chứng lập hai hợp đồng thế chấp bằng hai bản án nêu trên cho VDB Vĩnh Long. Theo đó, hợp đồng thế chấp “quyền tài sản” và hợp đồng thế chấp “quyền đòi nợ” theo hai bản án nêu trên có giá trị “tạm tính” là hơn 20 tỷ đồng. Mục đích thế chấp là nhằm trả nợ gốc, lãi từ các hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty Biofeed và VDB Vĩnh Long về dự án trại cá giống ở xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình (tính đến tháng 4/2020 là 130 tỷ đồng).
Song song với việc thế chấp bằng bản án, ông Phương còn là chủ đầu tư dự án ở khu 4 - tuyến công nghiệp Cổ Chiên cũng đã treo hơn 10 năm qua. Theo hồ sơ vụ việc, ngay từ năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định thu hồi hơn 300.000m2 đất huyện Long Hồ và huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Đơn giá bồi thường cho hàng trăm hộ nông dân bị ảnh hưởng chỉ vỏn vẹn 40.000 đồng/m2 đất thổ cư và hơn 30.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Nhiều gia đình không đồng ý vì giá bồi thường mỗi mét vuông chỉ bằng giá một tô phở nên đã ròng rã vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi.
Điều trớ trêu là phần đất thu hồi cho dự án khu 4 - tuyến công nghiệp Cổ Chiên nêu trên được giao cho Công ty Biofeed 2 mà giám đốc công ty cũng chính là ông Trương Thanh Phương. Sau khi nhận và thanh toán tiền thuê đất chỉ hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, Công ty Biofeed 2 đã được cấp GCNQSDĐ mới. Ông Phương đã đem GCNQSDĐ này thế chấp và vay được hơn 22 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, dự án khu 4 - tuyến công nghiệp Cổ Chiên vẫn “giậm chân tại chỗ” vì chủ đầu tư bị cơ quan tín dụng kiện, còn người dân bị thu hồi đất thì liên tục kêu cứu, khiếu nại đòi nâng giá bồi thường.
Ôm đống nợ khó đòi
Về việc cấp bảy GCNQSDĐ cho Công ty Biofeed trong dự án trại giống thủy sản ở huyện Tam Bình, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long Trần Minh Khởi cho rằng “đúng quy định pháp luật”. Theo ông Khởi, năm 2009, UBND tỉnh ban hành quyết định số 2405 thu hồi 313.291m2 đất tại ấp Phú An, xã Phú Thịnh để thực hiện dự án trại giống thủy sản chất lượng cao cho địa phương. Trên cơ sở đó, UBND huyện Tam Bình ban hành quyết định thu hồi đất từng hộ dân, trong đó có 81 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo Luật Đất đai, thu hồi đất là thu hồi quyền sử dụng đất đã cấp cho chủ sở hữu trước đây, nên khi chính quyền tỉnh và huyện ban hành các quyết định thu hồi đất, đương nhiên các quyền sử dụng đất này đã bị thu hồi. Sau đó, UBND tỉnh giao quyền sử dụng đất đã thu hồi cho Công ty Biofeed để thực hiện dự án.
“Trong quá trình thực hiện dự án, không phải cùng lúc thực hiện hết toàn bộ diện tích, nên mới cấp GCNQSDĐ hai lần, lần đầu năm giấy và lần sau hai giấy. Người dân, doanh nghiệp có GCNQSDĐ được quyền chuyển nhượng, thế chấp vay vốn ngân hàng; nếu thế chấp thì phải đăng ký tại văn phòng quản lý đất đai của nơi có đất. Tại thời điểm đó, UBND huyện Tam Bình đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Biofeed nộp lại GCNQSDĐ cũ. Việc doanh nghiệp này đem “sổ đỏ” thế chấp cho VDB là giao dịch dân sự. Qua rà soát, VDB không đăng ký với cơ quan quản lý tại địa phương nên về mặt quản lý nhà nước, sở không biết về vấn đề này. Nếu VDB đứng tên trên GCNQSDĐ, cơ quan quản lý cấp giấy mới mà không thông báo cho ngân hàng, mới sai” - ông Khởi giải thích.
Đại diện VDB khu vực Cần Thơ cho rằng, đây là lỗi của Công ty Biofeed và nó khiến việc thu hồi nợ khó khăn. “Nếu kiện, ông Phương có tội, chính quyền cũng liên quan rất nhiều. Nhưng ngân hàng chỉ muốn thu tiền về. Nhiều năm qua, ngân hàng tích cực xử lý nợ, thu hồi vốn cho Nhà nước liên quan dự án này rất vất vả” - lãnh đạo VDB khu vực Cần Thơ nói.
Còn theo giải thích của ông Trương Thanh Phương, VDB biết rõ ông đem dự án thế chấp cho NCB Vĩnh Long vì chính VDB yêu cầu tìm ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay cho dự án: “Khi thu hồi đất được bao nhiêu thì chuyển qua tên cá nhân tôi rồi nộp cho VDB giữ. Việc của tôi là giao GCNQSDĐ đã thu hồi, còn việc đăng ký thế chấp giao dịch đảm bảo hay không là của VDB. Họ phải có trách nhiệm đi đăng ký giao dịch đảm bảo. Lỗi của tôi là tới nay, khoản vay của VDB không có tài sản thế chấp mà chỉ giữ những GCNQSDĐ cũ không có giá trị pháp lý thôi”.
Hiện tại, Công ty Biofeed nợ hàng trăm tỷ đồng mà dự án vẫn “trùm mền” khiến hàng trăm ngàn mét vuông đất “bờ xôi ruộng mật” trở nên hoang hóa.
Nguồn PNO
0 comments:
Đăng nhận xét