11 thg 4, 2020

Fed “nã đại bác” phố Wall được giải nguy

Bất chấp dữ liệu thất nghiệp tiếp tục gây sốc, nhưng phố Wall vẫn duy trì được đà tăng nhờ động thái chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo dữ liệu vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước lại vượt mốc 6 triệu đơn, tuần thứ 2 liên tiếp, nâng tổng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần gần nhất lên tới 15 triệu. Trong tháng 3, thị trường việc làm Mỹ đã mất hơn 700.000 việc, mức kỷ lục kể từ cuộc đại suy thoái và cũng chấm dứt luôn chuỗi 10 năm liên tiếp tăng trưởng của thị trường việc làm. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là con số cuối cùng.

Dù đã dự đoán được tác động ghê gớm của đại dịch Covid-19 tới thị trường việc làm nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung, nhưng đó vẫn là con số gây sốc với nhiều người.

Thông thường, nếu con số trên được công bố sẽ kích hoạt lệnh bán tháo trên thị trường chứng khoán, đẩy phố Wall lao dốc. Tuy nhiên, phiên thứ Năm (9/4), cũng là phiên giao dịch cuối tuần này của phố Wall và các thị trường châu Âu (thứ Sáu các thị trường nghỉ lễ Tuần Thánh) lại khác.

Phố Wall không những không lao dốc, mà còn tăng khá tốt, trước khi hạ nhiệt vào cuối phiên vì giá dầu thô lao dốc, nhờ “cú nã đại bác” của Fed đã giải cứu kịp thời.

Theo đó, tiếp sau các chính sách mạnh tay như giảm mạnh lãi suất liên tiếp trong tháng 3 để đưa về mức 0%, cùng với chương trình mua trái phiếu không có giới hạn, Fed mới đây công bố tung thêm gói kích cẩu 2.300 tỷ USD để cho các công ty thuộc các tiểu bang, hạt bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có từ 10.000 nhân viên vay trong thời hạn 4 năm. Ngoài ra, cơ quan này sẽ mua trái phiếu chính quyền địa phương của các tiểu bang, các quận, hạt đông dân cư.

Một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ ví von gói kích thích này của Fed như một “bazooka”, thậm chí là “bom nguyên tử” của nhà hoạch định chính sách.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones tăng 285,8 điểm (+1,22%), lên 23.719,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,84 điểm (+1,45%), lên 2.789,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 62,67 điểm (+0,77%), lên 8.153,58 điểm.

Nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế, cùng với kỳ vọng dịch sẽ đạt đỉnh trong thời gian ngắn tới, phố Wall đã có tuần tăng trở lại sau tuần giảm trước đó, thậm chí đây còn là tuần tăng tốt nhất của S&P 500 kể từ năm 1974.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 12,67%, chỉ số S&P 500 tăng 12,10%, chỉ số Nasdaq tăng 10,59%.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục duy trì đà tăng và là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong tuần nhờ thông tin về gói kích cầu mạnh của Fed và cả Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 164,93 điểm (+2,90%), lên 5.842,66 điểm. Chỉ số DAX tăng 231,85 điểm (+2,24%), lên 10.564,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 64,10 điểm (+1,44%), lên 4.506,85 điểm.

Với 4 phiên tăng mạnh liên tiếp, chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, lấy lại hết cả vốn lẫn lãi trong tuần trước đó.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 7,89%, chỉ số DAX tăng 10,91%, chỉ số CAC40 tăng 8,48%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán chung của khu vực STOXX 600 tăng 7,4%, mức lớn nhất kể từ năm 2011.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau 2 phiên tăng mạnh, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh trong phiên thứ Năm, nhưng sau đó đã dần hồi trở lại và đóng cửa gần như không đổi. Trong khi đó, các thị trường khác quay đầu hồi phục nhờ kỳ vọng vào việc đại dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh trong thời gian ngắn tới.

Kết thúc phiên 9/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 7,47 điểm (-0,04%), xuống 19.345,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,53 điểm (+0,37%), lên 2.825,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 329,96 điểm (+1,38%), lên 24.300,33 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 29,07 điểm (+1,61%), lên 1.836,21 điểm.

Dữ liệu kinh tế “đáng sợ” của Mỹ vừa được công bố, cùng với việc Fed tiếp tung gói kích cầu 2.300 tỷ USD để giúp các tiểu bang và các hạt bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nỗi lo lạm phát gia tăng. Với dữ liệu kinh tế và động thái trên của Fed giới đầu tư đã tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như vàng, kéo giá vàng tăng vọt trong phiên thứ Tư lên mức cao nhất 7 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 9/4, giá vàng giao tăng 39,1 USD (+2,37%), lên 1.685,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 70,8 USD (+4,25%), lên 1.736,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 68,5 USD (+4,07%), lên 1.752,8 USD/ounce.

Trong ngày họp đầu tiên hôm thứ Năm, OPEC và Nga đã đưa ra kế hoạch cắt giảm hơn 1/5 sản lượng của nhóm này và kỳ vọng Mỹ cùng các nhà sản xuất lớn khác sẽ tham gia vào thỏa thuận để ngăn chặn đà giảm sâu của giá dầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng có đạt được hay không còn phải phụ thuộc vào Mexico ký thỏa thuận hay không, bởi nước này trước đó đã chùn bước trước sản lượng mà họ được yêu cầu cắt giảm.

Theo kế hoạch OPEC+ sẽ cắt giảm khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày và chờ đợi các nhà sản xuất khác tham gia cắt giảm thêm 5 triệu thùng mỗi ngày.

Dù bước đầu thỏa thuận cắt giảm sản lượng khá khả quan, nhưng giá dầu thô vẫn lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm khi một báo cáo cho thấy, nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm 30 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 30% nguồn cung toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19 khiến các hãng hàng không gần như không cất cánh, phương tiện giao thông cũng hạn chế đi lại.

Kết thúc phiên 9/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,33 USD (-10,24%), xuống 22,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,36 USD (-4,32%), xuống 31,48 USD/thùng.

Nguồn TNCK

0 comments:

Đăng nhận xét