Trong khi tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, hàng loạt cổ phiếu bị sụt giảm mạnh nhưng mã VTX vẫn tăng hơn 167,7% so với thời điểm đầu năm 2020.
Trong giai đoạn đầu năm 2020, cổ phiếu VTX của CTCP Vận tải đa phương thức Vietranstimex không nhận được sự chú ý của giới đầu tư. Điều này một phần do vùng giá cổ phiếu này khá thấp, từ 6.200 – 8.800 đồng/cổ phiếu, cũng như thanh khoản "teo tóp" khi nhiều phiên ghi nhận không có hoặc rất ít đơn vị cổ phiếu giao dịch.
Đến ngày 9/3, cổ phiếu VTX bất ngờ tăng trần liên tục, sau đó giữ nguyên ở mức giá 20.300 đồng/cổ phiếu trong 9 phiên (từ ngày 20/3-1/4). Hiện tại (cụ thể là phiên 17/4), thị giá VTX giảm về mức 16.600 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, tính toán Nhà Đầu Tư cho thấy, mã này đã tăng hơn 167,7% từ đầu năm 2020 đến nay.
CTCP Vận tải đa phương thức Vietranstimex tiền thân là Công ty Đại lý Vận tải Đà Nẵng, được thành lập ngày 27/3/1976. Ngày 1/11/2010, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP. Ngành nghề kinh doanh: Vận tải hàng hoá bằng đường bộ; vận tải hàng hoá ven biển và viễn dương; hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, đường sắt và đường thuỷ...
Trong năm 2019, doanh thu thuần VTX đạt gần 272,5 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 27%, xuống còn 4,4 tỷ đồng.
Đây cũng là năm mà VTX có kết quả kinh doanh “ảm đạm” nhất trong 5 năm tài chính trở lại đây.
Giải trình về vấn đề này, VTX cho rằng, nguyên nhân là do năm 2019 công ty chuyển đổi văn phòng và tái cơ cấu nhân sự, bên cạnh đó là hiệu quả kinh doanh các chi nhánh thấp nên đã ảnh hưởng đến doanh thu và kết quả kinh doanh.
Biểu đồ kết quả kinh doanh qua các năm của VTX.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VTX tính đến ngày 31/12/2019 đạt hơn 289,5 tỷ đồng, giảm 9% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, phần lớn là tài sản ngắn hạn (hơn 178 tỷ đồng) gồm các khoản phải thu ngắn hạn hơn 148 tỷ đồng; hàng tồn kho 16,7 tỷ đồng… Tài sản dài hạn là 120 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, báo cáo tài chính ghi nhận khoản nợ ngắn hạn gần 61 tỷ đồng (chủ yếu phải trả người bán ngắn hạn hơn 37 tỷ đồng), giảm 30% so với thời điểm đầu năm. Nợ dài hạn là 858,5 triệu đồng.
Cũng trong năm 2019, VTX đã tái cấu trúc công ty khi chuyển trụ sở chính công ty từ TP. Đà Nẵng đến TP.HCM. Trước đó, công ty này cũng đã chấm dứt hoạt động Chi nhánh Vietranstimex Miền Nam và thành lập Chi nhánh Vietranstimex Miền Trung, cũng như thực hiện thủ tục để thay đổi địa chỉ hoạt động của Chi nhánh Vietranstimex Miền Bắc.
Bên cạnh đó, VTX cũng đã thực hiện các thủ tục miễn nhiệm 3 thành viên Ban kiểm soát để phù hợp với việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty gồm: Ông Phạm Tường Minh (Trưởng Ban); ông Ông Văn Khương (Thành viên); bà Nguyễn Thị Thu Trang (Thành viên).
Hiện, ông Đỗ Hoàng Phương là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VTX (được bổ nhiệm ngày 16/4/2019), ông Đặng Doãn Kiên Ủy viên HĐQT và ông Phạm Tuấn Anh Ủy viên HĐQT.
Tại BCTC 2019, ghi nhận VTX còn có khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty TNHH Liên doanh BNX-Vietrantimex khi sở hữu 51% vốn. Tuy nhiên, công ty liên doanh này đã ngừng hoạt động từ ngày 4/4/2011, nhưng tại BCTC 2019 (kết thúc ngày 31/12/2019) cho biết, BNX-Vietrantimex vẫn đang tiến hành thủ tục nhằm giải thể.
Về cơ cấu cổ đông, hiện CTCP Kho Vận Miền Nam (HoSE: STG) là cổ đông lớn tại VTX khi nắm giữ hơn 84% vốn, tương đương mức giá gốc là 283,2 tỷ đồng; ông Đỗ Hoàng Phương là Chủ tịch HĐQT nắm 7,7%.
Giá chứng khoán mã VTX ngày 18/04/2020.
Nguồn Nhà Đầu Tư
0 comments:
Đăng nhận xét