30 thg 4, 2020

Ngân hàng thận trọng với những khoản giải ngân mới

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng nếu ngân hàng để mất tiền, nên việc cho vay mới sẽ khó bùng nổ cho đến khi dịch bệnh được khống chế...

Tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” diễn ra tuần trước, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn chủ yếu là những doanh nghiệp không có phương án kinh doanh đảm bảo, không có vốn tự có..., còn những doanh nghiệp tốt thì không có ý kiến.

“Với những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, chúng tôi đã giải thích và thông tin về các hiệp hội, tổ chức, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để chủ động trong vấn đề truyền thông. Các ngân hàng chỉ có thể tăng cường số hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn, chứ không thể giảm chuẩn mực tín dụng, bởi sẽ để lại nhiều rủi ro về sau”, ông Thành nói.

Cùng chung vấn đề, ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch HÐQT VietinBank thẳng thắn chia sẻ: “Với những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ phải nỗ lực để đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn phát triển. Chúng ta không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng, vì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế sau này”.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: “Không phải ngẫu nhiên việc cho vay mới được lãnh đạo các ngân hàng đề cập tại cuộc họp. Câu chuyện này sẽ còn nóng trong thời gian tới”.

Lãnh đạo một ngân hàng phân tích, trong điều kiện bình thường, số lượng doanh nghiệp, người dân được vay vốn ngân hàng/tổng số có nhu cầu không bao giờ đạt 100% vì nhiều lý do như không đáp ứng điều kiện vay, không phù hợp với khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng (TCTD), TCTD không còn tiền để cho vay (khả năng cung ứng vốn của TCTD có hạn, phụ thuộc vào huy động), khả năng đáp ứng điều kiện vay của khách hàng…

“Nếu các điều kiện của khách hàng vay giảm, thậm chí trong tình trạng phá sản, theo logic, số lượng khách hàng được vay sẽ ít hơn điều kiện bình thường, nghĩa là số lượng khách hàng không được vay sẽ nhiều hơn, nên ý kiến từ phía doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng, không giảm”, vị lãnh đạo trên nói.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2020 do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện cho biết, tổng thể cả năm 2020, mặt bằng rủi ro chung của các nhóm khách hàng tăng lên so với năm trước.

Trong quý I/2020, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định có xu hướng “tăng nhẹ” với 16,2% TCTD nhận định rủi ro ở mức “khá cao”.

Trong quý II/2020, có 58,1% TCTD kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “ổn định”, 26,7% TCTD quan ngại rủi ro “tăng nhẹ”, trong khi 14,3% TCTD kỳ vọng rủi ro “giảm”.

“Hiện cả hệ thống kêu gọi các TCTD cho vay cứu doanh nghiệp, nhưng điều kiện môi trường kinh doanh còn rất xấu, nên chắn chắn sẽ nhiều doanh nghiệp phá sản và 5-7 năm sau đó, nhiều cán bộ ngân hàng sẽ đối diện khả năng bị xử lý hình sự vì cho vay mất vốn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Thực tế, cách đây khoảng 7-8 năm việc doanh nghiệp bằng nhiều hình thức thúc ép các TCTD phải cho vay từng diễn ra, dẫn đến hệ lụy là nhiều cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý 3-4 năm sau đó.

Các TCTD đã có kinh nghiệm “đau thương”, nên chắc chắn doanh nghiệp sẽ không dễ dàng ép ngân hàng cho vay không an toàn.

“Thông tư 01/2020/TT-NHNN (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 ban hành ngày 13/3/2020) đã được NHNN tính toán kỹ, rút kinh nghiệm từ thời kỳ 780 (Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được NHNN ban hành vào ngày 23/4/2012 - PV)”, một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các TCTD cần nắm sát tình hình doanh nghiệp để hỗ trợ một cách có hiệu quả. Ðiều này giúp TCTD tránh được tình trạng chây ỳ, đảo nợ, để rồi gây ra nợ xấu sau này. Khi đã nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp, TCTD cần công khai các trường hợp không đủ điều kiện cho vay, tránh sự hiểu lầm, cũng như để doanh nghiệp hiểu rằng, không phải ngân hàng là nguồn hỗ trợ duy nhất trong lúc khó khăn này.

“Trong bối cảnh hiện tại, các TCTD phải đề phòng nợ xấu dềnh lên”, ông Thắng nhấn mạnh.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố đánh giá, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, gói hỗ trợ kinh tế sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn, từ đó có thể quay lai hoạt động - sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dù vậy, vẫn cần tiếp tục theo dõi xu hướng dịch bệnh để đánh giá thêm tác động vào chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.

“Dịch bệnh làm ảnh hưởng chung đến lợi nhuận các ngành sản xuất và dịch vụ (hiện chiếm khoảng 82% cơ cấu cho vay), từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Với giả định thận trọng, BSC điều chỉnh dự báo tăng nợ xấu của toàn hệ thống lên 1,7%, tăng so với mức giả định 1,4% ban đầu. Bên cạnh đó, chi phí trích lập dự phòng cũng điều chỉnh tăng do nhận định việc chất lượng tài sản suy giảm khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn”, báo cáo nhấn mạnh.

Trước các ý kiến, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD quan tâm nhiều hơn tới công tác truyền thông, kịp thời trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, công bố công khai các kết quả xử lý, kết quả cho vay mới, cơ cấu lại nợ…

“Các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Truyền thông (NHNN) công bố kịp thời những kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan. Công bố đầy đủ khách hàng được vay vốn, cũng như những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn…”, Thống đốc nhấn mạnh.

Nguồn TNCK

0 comments:

Đăng nhận xét