4 thg 4, 2020

Nhiều “ông lớn” nhà nước bắt đầu không cân đối được thu chi

7/19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) bắt đầu không cân đối được thu chi. 3 tháng đầu năm, các “ông lớn” đã phát sinh tổng số lỗ hơn 3.728 tỷ đồng.

Trong báo cáo hoả tốc gửi Thủ tướng Chính phủ cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty của CMSC mới đây, số liệu cập nhật đến cuối tháng 3/2020 cho thấy, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong 3 tháng đầu năm giảm hơn 27.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng hơn 270 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng hơn 26.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng hơn 32.800 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tính đến nay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, doanh thu hợp nhất của VNA giảm hơn 6.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, lỗ hơn 2.300 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo đến quý 4/2020, tổng doanh thu của hãng hàng không quốc gia có thể giảm hơn 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ gần 20 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, Vietnam Airlines đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu, đồng thời chuyển sang đẩy mạnh khai thác các chuyến bay chở hàng hoá trong nước và quốc tế để đảm bảo giao thương và bù đắp doanh thu.

Về tình hình tài chính, VNA có lượng tiền dự trữ khoảng hơn 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt và doanh nghiệp này đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Dư nợ vay ngắn hạn của tổng công ty đã lên tới vài nghìn tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt ở mức rất cao trong năm 2020.

Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực hàng không là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng giảm hơn 800 tỷ đồng doanh thu và giảm hơn 580 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1 so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến cả năm, doanh thu của ACV chỉ đạt hơn 11.300 tỷ đồng, giảm hơn 10.200 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm; lợi nhuận dự kiến chỉ còn 1.476 tỷ đồng, giảm hơn 9.300 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước giảm 15 tỷ đồng doanh thu trong quý 1/2020 do việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch. Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến quý IV/2020, VEC ước lỗ khoảng 140 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong quý 1/2020 ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng do không có khách đi tàu, các công ty thành viên phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ khoảng gần 700 - 900 tỷ đồng, tuỳ thời điểm kết thúc dịch Covid-19.

Trước tác động của dịch bệnh, CMSC đã triển khai và tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty quán triệt và thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch, vừa phải bảo đảm yêu cầu chống dịch vừa phải đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV), Petrolimex bảo đảm cung cấp đủ điện, xăng dầu cho nhân dân và phục vụ sản xuất; VNA, ACV, VNR, VEC bảo đảm hoạt động giao thông phục vụ công tác kiểm soát dịch hiệu quả, kịp thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ là tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch; Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam bảo đảm cung cấp đầy đủ gạo, lương thực thiết yếu khác...

CMSC cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cơ cấu lại nguồn tài chính doanh nghiệp, tính toán cụ thể các khoản nợ đến hạn, khả năng trả nợ để có giải pháp phù hợp; đa dạng hoá thị trường cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc thiết bị, yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất; tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhất là các sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty trong cùng CMSC; đa dạng hoá các sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Để gói hỗ trợ kịp thời đến với doanh nghiệp, CMSC kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cho Vinachem, VNR, VNA, PVN...

Nguồn TNCK

0 comments:

Đăng nhận xét