Dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo ước tính của NHNN đã lên tới 2 triệu tỷ đồng, gấp đôi con số ước tính cách đây 1 tháng. Trong 2 kịch bản được đưa ra, NHNN tính toán tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nội bảng và nợ VAMC, nợ chưa thực hiện phân loại) sẽ ở mức 3-3,7% vào cuối năm 2020.
Đáng chú ý tại Báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng với dịch Covid-19 đã lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Như vậy, con số này đã tăng gấp 2 lần so với ước tính cách đây 1 tháng của ngành ngân hàng.
Trong đó, ngành kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng là nhóm có nhiều dư nợ bị ảnh hưởng nhất với 548.000 tỉ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ.
Nhóm công nghiệp chế biến-chế tạo với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 520.000 tỉ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ, trong đó ngành chế biến thực phẩm, đồ uống bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ có 169.000 dư nợ bị ảnh hưởng chiếm 2% tổng dư nợ. Nhóm nông lâm nghiệp và thủy sản có số dư nợ bị ảnh hưởng là 157.000 tỉ đồng, chiếm 1,9% dư nợ nền kinh tế tập trung vào các ngành hàng rau quả, thủy sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu.
Nhóm kinh doanh bất động sản có 145.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,75%; Nhóm vận tải có 139.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,68%; Nhóm các dự án BOT, BT có 110.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng, chiếm 1,35% tổng dư nợ,...
Theo ước tính của NHNN với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát trong quí I, tỷ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9% - 3,2% vào cuối quí II và từ 2,6% - 3% vào cuối năm 2020.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quí II, tỷ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn. Điều này sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những TCTD yếu kém.
NHNN cũng cho biết, cầu tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước khi đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 trong khi cùng kỳ tăng 3,19%, nhịp độ từng tháng có xu hướng cải thiện. Trong đó, tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%.
Mặc dù các TCTD đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, giảm 2-2,5%/năm có quy mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm, dẫn tới việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét