6 thg 4, 2020

Nỗi lo về chu kỳ nợ xấu mới

Chỉ báo có phần ngẫu nhiên từ SSI bỗng ngày càng trở nên thời sự. Với sự lây lan không ai lường trước được của dịch Covid-19, kéo theo đó là sự tê liệt của phần lớn hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, nguy cơ từ chu kỳ nợ xấu mới đang hiển hiện ngày một rõ hơn...
Tin liên quan: Dấu hiệu chu kỳ khủng hoảng 10 năm xuất hiện
Nguy cơ từ chu kỳ nợ xấu mới đang hiển hiện ngày một rõ hơn (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng năm 2019 phát hành hồi tháng 1/2020, Công ty Chứng khoán SSI bất ngờ đề cập đến "nợ xấu của chu kỳ tín dụng mới".

Mặc dù cho rằng nợ xấu của chu kỳ tín dụng mới chưa tăng mạnh, ít nhất là tại thời điểm phát hành báo cáo, nhưng SSI cũng cảnh báo "một đợt hình thành nợ xấu mới đang quay trở lại, do nợ xấu mới hình thành từ các khoản vay tiêu dùng, hoặc từ nợ xấu cũ đã được tái cơ cấu, nay được định giá lại".

Khoảng hơn một tháng sau, chỉ báo có phần ngẫu nhiên từ SSI bỗng ngày càng trở nên thời sự. Với sự lây lan không ai lường trước được của dịch Covid-19, kéo theo đó là sự tê liệt của phần lớn hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, nguy cơ từ chu kỳ nợ xấu mới đang hiển hiện ngày một rõ hơn.

Nhìn lại chu kỳ nợ xấu cũ, xu hướng gia tăng tỷ lệ nợ xấu bắt đầu "nóng" hơn từ khoảng cuối năm 2007 và trở nên trầm trọng hơn từ cuối năm 2011.

Tỷ lệ nợ xấu ban đầu vẫn còn được công bố trong ngần ngại (4,47% hồi tháng 5/2012) nhưng càng về sau, trước áp lực lớn từ cả trong nước lẫn ngoài nước, con số công bố càng sát thực tế hơn.

Thay vì 4,47%, tỷ lệ nợ xấu năm 2012 theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước là 8,82%. Thời điểm đó, Fitch Ratings tính toán rằng tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến trên 17%, trong khi Barclays cho rằng con số thực lên đến 20%.

Sau khi tiếp quản ghế Thống đốc, ông Lê Minh Hưng đã không ngần ngại công bố tỷ lệ nợ xấu thực tế của toàn hệ thống ngân hàng. Con số cuối năm 2016 được công bố là 10,08%. Mức nợ xấu hai con số này cho thấy rõ ràng những tính toán của các tổ chức nước ngoài 4 năm trước là hoàn toàn có cơ sở.

Những năm tiếp theo, tỷ lệ nợ xấu giảm khá nhanh. Năm 2017 còn 7,36%, năm 2018 còn 5,85%. Số liệu đến tháng 8/2019 là 4,84%.

Dù vậy, quá trình xử lý nợ xấu mất đến 8 năm vẫn chưa đưa được xuống dưới "ngưỡng an toàn" 3% cho thấy hệ quả cực kỳ nghiêm trọng của chu kỳ nợ xấu cũ.

Một trong những giải pháp cho vấn đề nợ xấu được cơ quan quản lý khuyến khích thời kỳ trước là sáp nhập các ngân hàng yếu kém và cho đến nay, chính những ngân hàng tiến hành sáp nhập là những ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Sacombank sáp nhập Southern Bank, SCB sáp nhập Ficombank và TinNghiaBank, SHB sáp nhập Habubank là những ví dụ điển hình.

Số liệu cuối năm 2019 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) của Sacombank lên đến 10,88%, dù vậy vẫn cần phải công nhận rằng từ khi về tay ông Dương Công Minh, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm đáng kể. Ngược lại, cũng cần lưu ý rằng càng về sau thì nợ xấu tồn đọng càng "khó nhằn" và tỷ lệ nợ xấu trên cũng chưa bao gồm nợ xấu tiềm ẩn, chưa kể áp lực thoái lãi dự thu.

Tương tự trường hợp của Sacombank là SCB. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu thấp hơn Sacombank, ở mức 5,32% nhưng nếu nhìn vào các khoản phải thu và lãi dự thu khổng lồ của ngân hàng này, tình hình cũng không khả quan hơn.

Với SHB, về mặt số liệu cơ học thì năm 2019 là một năm khá thành công của ngân hàng này khi đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,95% hồi cuối năm 2018 về 3,29%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến khoản mục con "Tài sản Có khác" (nằm trong khoản mục lớn "Tài sản Có khác") của ngân hàng này bất ngờ tăng vọt từ mức 632 tỷ đồng cuối năm 2018 lên mức 4.707 tỷ đồng cuối năm 2019.

Thực tế ngay trong nhóm các ngân hàng hiện vẫn còn tỷ lệ nợ xấu trên 3%, có trường hợp đã giảm đột ngột tỷ lệ nợ xấu nhưng khoản mục con "Phải thu từ các hợp đồng bán nợ cho đối tác" (nằm trong khoản mục lớn "Tài sản Có khác") lại tăng vọt. Sự việc này diễn ra hồi năm 2018, phản ánh nguy cơ giảm nợ xấu không thực chất.

Với các trường hợp có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% còn lại, đáng chú ý nhất là trường hợp của NCB. Sau rất nhiều năm thực hiện tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn cực kỳ cao (cao nhất trong các ngân hàng thương mại xét về tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng tại VAMC, không tính các "ngân hàng 0 đồng") và giảm rất chậm qua các năm.

Với sự lây lan không ai lường trước được của dịch Covid-19, kéo theo đó là sự tê liệt của phần lớn hoạt động kinh tế cả trong nước và thế giới, nguy cơ từ chu kỳ nợ xấu mới đang hiển hiện ngày một rõ hơn.

Đề cập đến các khoản nợ xấu cũ còn tồn đọng để thấy trong thời gian tới, việc xử lý lượng nợ xấu tồn đọng này sẽ khó khăn hơn nhiều, phần vì việc xử lý tài sản bảo đảm vốn đã khó nay lại gặp bối cảnh thị trường xấu, phần vì các ngân hàng phải dành rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ khách hàng đối phó với dịch bệnh cũng như suy thoái kinh tế nên sẽ ít nguồn lực để xóa nợ xấu.

Như dự báo của SSI, nguy cơ ở chu kỳ nợ xấu mới một phần đến từ các khoản nợ xấu cũ "đã được tái cơ cấu, nay được định giá lại".

Bên cạnh nợ xấu tồn đọng, SSI cũng nhấn mạnh đến các khoản vay tiêu dùng như là tâm điểm trong chu kỳ nợ xấu mới.

Đây là các khoản nợ vay dưới chuẩn, tín chấp, là "đối tượng" dễ bị tổn thương khi xảy ra suy thoái kinh tế, bởi thu nhập của người đi vay bị suy giảm và ngân hàng/công ty tài chính thì không nắm trong tay tài sản bảo đảm.

Một dạng cho vay tín chấp khác, không thông qua ngân hàng và công ty tài chính, là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Mặc dù chưa có cơ quan nào công bố con số chính xác nhưng quy mô dư nợ loại hình này được cho là đã lên đến đơn vị chục nghìn tỷ đồng. Các khoản cho vay này có tiêu chuẩn rất thấp, không được bên trung gian nào đảm bảo nên khả năng xảy ra nợ xấu trong xã hội là không thể đong đếm và rất khó quản lý ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh nợ xấu tồn đọng, nợ cho vay tiêu dùng là tâm điểm chịu ảnh hưởng thì nhìn chung, các khoản cho vay doanh nghiệp, cá nhân cũng không thoát được nguy cơ phát sinh nợ xấu trong bối cảnh suy thoái kinh tế do Covid-19. Mặc dù tỷ lệ phát sinh nợ xấu thấp hơn nhưng quy mô dư nợ lại rất lớn nên tác động là không thể xem nhẹ.

Trong đó, các ngân hàng có cơ cấu cho vay ưa rủi ro, cơ cấu cho vay thiếu cân bằng, ít nguồn lực dự phòng... sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn hơn các ngân hàng khác (Xem thêm: Khả năng chống đỡ 'bão Covid-19' của các ngân hàng nhìn từ cấu trúc cho vay và Dịch Covid-19 tác động mạnh, ngân hàng nào sở hữu nguồn dự phòng đối ứng nợ xấu tốt nhất?).

Mặc dù suy thoái kinh tế là chắc chắn diễn ra nhưng ở mức độ nào hay có dẫn đến khủng hoảng kinh tế hay không thì không ai có thể dám chắc được. Nếu suy thoái ở mức độ thấp thì có thể chỉ đẩy nhanh tiến trình tích lũy nợ xấu, chu kỳ nợ xấu mới theo đó sẽ vẫn tiếp tục trong các năm tới và chưa đủ trầm trọng để gây ra ảnh hưởng lớn để sự phát triển kinh tế; và ngược lại!

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét