20 thg 4, 2020

Tự doanh lỗ sâu với DIG, BSR, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lỗ lỷ lục hơn 88 tỷ đồng trong quý 1

Khoản lỗ lớn của VDSC có một phần nguyên nhân do "chốt sổ" kế toán 31/3, đúng thời điểm thị trường tạo đáy.

CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với khoản lỗ 88,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lãi sau thuế 21,15 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ kỷ lục trong 1 quý của VDSC từ trước tới nay.


Kết quả kém tích cực trong quý 1 chủ yếu đến từ việc thua lỗ của hoạt động tự doanh. Theo báo cáo, VDSC lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 1 đạt 2,93 tỷ đồng, nhưng số lỗ FVTPL lên tới 105,9 tỷ đồng. Tựu chung, hoạt động tự doanh của công ty lỗ ròng 103 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 1, danh mục FVTPL của VDSC có giá trị ghi sổ 474,26 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy vậy, giá trị đánh giá lại của các khoản đầu tư này chỉ còn 297,87 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 176,4 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư khiến VDSC lỗ lớn trong quý 1 phải kể tới DIG (giá trị ghi sổ 161,15 tỷ đồng, giá trị đánh giá lại 102 tỷ đồng), BSR (giá trị ghi sổ 68,9 tỷ đồng, giá trị đánh giá lại 19,6 tỷ đồng), DXG (giá trị đánh giá lại giảm gần 12 tỷ đồng xuống 22,9 tỷ đồng)…

Dù vậy, khoản lỗ lớn của hoạt động tự doanh có thể sẽ được thu hẹp trong quý 2 khi mà thị trường chứng khoán đang hồi phục mạnh kể từ khi tạo đáy 662,53 điểm vào ngày 31/3.


Danh mục tự doanh VDSC cuối quý 1.

Bên cạnh nguyên nhân thua lỗ từ tự doanh, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán của VDSC trong quý 1/2020 cũng giảm 10% so với cùng kỳ xuống 20,5 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng giảm 8,6% xuống 48 tỷ đồng cũng khiến kết quả kinh doanh thêm phần ảm đạm. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán của VDSC cuối quý 1 có giá trị 1.357 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.

Khoản lỗ lớn của VDSC có một phần nguyên nhân do "chốt sổ" kế toán 31/3, đúng thời điểm thị trường tạo đáy.

Theo báo cáo thường niên được công bố, VDSC đặt kế hoạch lãi trước thuế tối thiểu 45 tỷ đồng trong năm 2020, tăng gần 6% so với năm trước. Với diễn biến khó lường của TTCK trong thời gian qua, VDSC sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Thời gian gần đây, VDSC có sự biến động lớn về cơ cấu cổ đông khi Chủ tịch HĐQT Trần Lệ Nguyên đã chuyển nhượng 17 triệu cổ phiếu VDS cho ông Nguyễn Xuân Đô và hiện chỉ còn nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu VDS, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,04%.

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét