13 thg 4, 2020

Việt Nam đang đàm phán vay 1 tỷ USD

Thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh đang là những khó khăn vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái bởi dịch bệnh. 
Thu ngân sách thâm hụt nghiêm trọng từ các hoạt động thương mại quốc tế.

Bộ Tài chính "đang đàm phán" vay 1 tỷ USD với các tổ chức cho vay tiềm năng, gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Kế hoạch vay tiền này đang đối diện nhiều thách thức, khi nợ công/GDP đã sát ngưỡng 65% Quốc hội đề ra, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng 1,5-1,6 điểm phần trăm lên 5%-5,1% tổng sản phẩm quốc nội do tác động của dịch Covid-19.

Việt Nam sẽ mất 140-150.000 tỷ đồng (5,94-6,37 tỷ USD) thu ngân sách nhà nước trong năm nay, nếu đại dịch Covid-19 được ngăn chặn trong quý II/2020, theo tính toán của Bộ Tài chính. Một thực tế là Việt Nam không còn nhiều không gian tài khóa cho các biện pháp kích cầu, sau khi tung gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và triển khai gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch.

Việc Chính phủ vay nợ, PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói là do "thu ngân sách chỉ đủ hoặc dư không đáng kể sau khi chi cho tiêu dùng của Nhà nước". Năm 2019, thâm hụt ngân sách và nợ công có sự cải thiện nhất định, với thu cân đối ngân sách có mức tăng đáng kể, vượt khoảng 8% so với dự toán năm 2018 và khoảng 3,3% trong năm 2019, nhưng không đủ bù đắp cho chi tiêu ngân sách.

Tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm khá mạnh, năm 2019 khoảng 24%, do chủ yếu dựa vào các nguồn thu ngắn hạn, như bán tài sản, trong khi thu từ thương mại quốc tế giảm nhanh do quá trình hội nhập. Cấu trúc ngân sách nhà nước chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, dù mức thâm hụt ngân sách giảm, năm 2018 khoảng 3,46% GDP và năm 2019 khoảng 3,4% GDP, số liệu của Bộ Tài chính. 

Sự thay đổi về mức thâm hụt ngân sách của 2018-2019, phần lớn là do thay đổi cách hạch toán, không tính chi trả nợ gốc. Cơ cấu chi không được cải thiện, chi đầu tư phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, dưới 30%. 

Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP hay tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia/GDP đều đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Số liệu từ các báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP so với mức 58,4% GDP năm 2018 và nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP năm 2018 là 50% GDP. 

Chính phủ tin rằng chỉ tiêu trả nợ trên thu ngân sách nhà nước trong ngưỡng an toàn, cuối năm 2019 ở mức 19,5 -20,5% so với ngưỡng được Quốc hội cho phép là 25%, so với mức 15,9% cuối năm 2018. 

Năm 2018, nghĩa vụ trả nợ lãi ước tính khoảng 8%, còn nghĩa vụ trả cả nợ lãi và nợ gốc khoảng 20% tổng thu ngân sách. Các con số này lần lượt tăng lên tới khoảng 9% và 23% vào năm 2019. Việt Nam muốn vay nợ nước ngoài trong khi dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng. 

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 dự kiến khoảng 23% đã gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020. Vay nợ đã khó, trả nợ còn khó hơn. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, Việt Nam mỗi tháng sẽ phải trả 20.000 tỷ đồng cả gốc và lãi nợ công kể từ năm 2020. 

Thu - chi ngân sách nhà nước là hai mặt của một vấn đề, nếu chi lãng phí, hiệu quả thấp sẽ làm mất ý nghĩa của nỗ lực thu và cơ sở để tăng thu một cách bền vững và hợp lý.

Cân đối ngân sách nhà nước, cơ cấu lại chi theo hướng tiết kiệm và hiệu quả cần được thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại thu. Bên cạnh đó là cơ cấu lại nợ công gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, TS. Ánh nói. 

Dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những tồn tại trong chính sách tài khóa song cũng là cơ hội để Việt Nam cắt giảm manh hơn chi tiêu nhà nước, một trong những nền tảng để từng bước giải quyết thâm hụt ngân sách và nợ công sau khi hết dịch.

Nguồn DNSG
Link https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/viet-nam-dang-dam-phan-vay-1-ty-usd-1098010.html

0 comments:

Đăng nhận xét