13 thg 4, 2020

Xem xét vụ chủ tọa buộc luật sư rời phòng xử

Chủ tọa buộc luật sư phải rời phòng xử vì cho rằng vi phạm nội quy phiên tòa nhưng Liên đoàn Luật sư nói đó là hành vi lạm quyền, xâm phạm quyền của người bào chữa.
Luật sư Vũ Thị Nga trong phiên xử ngày 3-3 tại TAND tỉnh Điện Biên. (Ảnh chụp qua màn hình tivi).  Ảnh: TP

Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam vừa có văn bản gửi chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và nhiều cơ quan đề nghị xem xét hành vi của thẩm phán TAND tỉnh Điện Biên có dấu hiệu lạm quyền, xâm phạm quyền hành nghề của LS.

Nữ luật sư bị buộc rời phòng xử
Trước đó, ngày 3-3, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án đánh bạc xảy ra tại huyện Tuần Giáo. Trong phần xét hỏi, chủ tọa cho phép các LS đặt câu hỏi với Lò Văn Toản (một trong các bị cáo).

Lúc này, LS Vũ Thị Nga (thuộc Đoàn LS tỉnh Quảng Ninh), bào chữa cho một bị cáo khác, tham gia thẩm vấn bị cáo Toản. Tuy nhiên, sau vài câu hỏi, LS Nga bị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhắc nhở là cần tập trung làm rõ hành vi đánh bạc của bị cáo Toản, những nội dung khác sẽ hỏi sau.

LS Nga cho rằng LS có trách nhiệm làm sáng tỏ tất cả những gì liên quan đến vụ án. LS Nga nói tiếp nhưng bị chủ tọa cắt ngang, đồng thời đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp cưỡng chế đưa ra khỏi phòng xử.

Nữ LS phản đối quyết định của chủ tọa, khẳng định mình đã được HĐXX cho phép hỏi, nếu không cho hỏi nữa thì sẽ ngồi xuống, chứ không thể bị buộc rời phòng xử. Dù vậy, chủ tọa vẫn giữ nguyên quyết định nên LS Nga bị cảnh sát tư pháp đưa ra khỏi phòng xử.

“Luật sư hành xử trong giới hạn cho phép”
Trong văn bản, Liên đoàn LS Việt Nam cho biết đã xem lại đoạn video clip và băng ghi âm diễn biến phần thẩm vấn do LS Nga cung cấp cũng như thông tin trên báo chí.

Diễn biến phiên tòa cho thấy LS Nga khi được phép của chủ tọa đã xét hỏi bị cáo Toản về nội dung liên quan đến thân chủ của mình. Việc xét hỏi với nội dung liên quan làm sáng tỏ hành vi của các bị cáo là quyền của LS, quyền này đã được chính chủ tọa công bố và không bị giới hạn trong phạm vi xét xử của vụ án.

Do vậy, việc chủ tọa ngay lập tức cắt ngang việc xét hỏi của LS Nga, không cho tiếp tục xét hỏi và buộc rời khỏi phòng xử án là không bảo đảm tính khách quan, có dấu hiệu cản trở, xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của LS, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng tại phiên tòa.

Cạnh đó, theo khoản 2 Điều 256 BLTTHS 2015, mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX và tuân theo sự điều hành của chủ tọa. Điều này được hiểu là mọi người, trong đó có các LS phải tuân theo sự điều hành một cách chuẩn mực, đúng đắn, chứ không phải là sự điều hành tuyệt đối, không dựa trên quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.

Dấu hiệu lạm quyền?
Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng quá trình xét hỏi, LS Nga không có hành vi nào không tôn trọng HĐXX, không làm mất trật tự và không tuân theo sự điều hành của chủ tọa. Trước lời nói áp chế của chủ tọa, LS Nga có phản ứng lại với âm lượng ngang bằng với chủ tọa và đề nghị giải thích về quyết định không đúng của mình khi buộc LS phải rời khỏi phòng xử án.

“Việc LS tham gia xét hỏi đối với bị cáo liên quan tới bị cáo mà LS bào chữa không thể bị coi là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, hoàn toàn không phải là biểu hiện không tôn trọng HĐXX hay làm mất trật tự trong phiên tòa” - văn bản nêu.

Từ những cơ sở trên, Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng LS Nga không có biểu hiện vi phạm nội quy phiên tòa, không vi phạm khoản 10 Điều 466 BLTTHS 2015. Quyết định cưỡng chế buộc LS Nga rời khỏi phòng xử án là không phù hợp, có dấu hiệu lạm quyền của chủ tọa phiên tòa, xâm phạm trực tiếp đến quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa.

Liên đoàn LS Việt Nam đề nghị lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương có ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tố tụng tỉnh Điện Biên thận trọng xem xét và có kết luận về hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền bào chữa của chủ tọa trong vụ việc.

TAND tỉnh Điện Biên nói gì?
Ngày 12-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên Phạm Văn Nam cho biết đã nhận được công văn của Liên đoàn LS Việt Nam và sẽ có văn bản phản hồi theo đúng quy định. Ông Nam cho rằng trong vụ này, việc thẩm phán, chủ tọa phiên tòa buộc LS Nga rời phòng xử là đúng. Toàn bộ quá trình xét xử diễn ra công khai, được ghi âm, ghi hình đầy đủ, là bằng chứng rõ ràng cho điều này… 

Nguồn PLO

0 comments:

Đăng nhận xét