10 thg 5, 2020

7 bài học cuộc sống rút ra từ cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử, càng dành thời gian chiêm nghiệm càng thấy đúng: Thắng được người, chưa chắc thắng được mình; càng cố gắng tỏa sáng, càng khiến bản thân lu mờ

Bạn chỉ cần dành ra 20 phút để đọc hết cuốn sách Đạo Đức Kinh nhưng sẽ phải mất 20 năm cuộc đời để chiêm nghiệm những gì Lão Tử viết.

Đạo Đức Kinh được xem là tác phẩm triết học kinh điển viết bởi Lão Tử, một triết gia người Trung Quốc nổi tiếng vào khoảng năm 600 TCN. Đạo Đức Kinh bao gồm 81 chương với khoảng 5000 chữ, được viết bằng chữ Hán, chia làm 2 phần thượng kinh và hạ kinh. Cuốn sách này được xem như cơ sở lý luận cho nhiều tôn giáo lớn trên thế giới trong đó có Đạo giáo. 

Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử dùng “Đạo” để giải thích về sự phát triển biến hóa của vạn vật trong vũ trụ. Những triết lý về cuộc sống của ông trong cuốn sách khiến người đời và hậu thế phải nghiêng mình khâm phục. Người đọc tùy hoàn cảnh mà mỗi lần xem lại hiểu thêm ý mới, hiểu sâu hơn về cuộc đời, về chính mình. Dưới đây là 7 bài học cuộc sống đáng suy ngẫm từ cuốn sách của vị triết gia nổi tiếng này.

1. Nhìn vào bản thân và bạn sẽ tìm thấy mọi thứ mình cần
Lão Tử nói rằng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường.” Tức là, kẻ biết người được gọi là trí, tự biết mình được gọi là minh. Thắng người là người có sức mạnh, thắng mình là người mạnh thực sự. Một người thành công phải tự biết mình và thắng được bản thân mình.

Theo học thuật Trung Quốc, Yin và Yang là biểu tượng cho hai cực âm và dương trên vòng bát quái, thể hiện sự dung hòa giữa hai thái cực đối lập như sáng-tối, đen-trắng, nam-nữ. Theo đó, vạn vật trong tự nhiên đều tồn tại hai mặt đối lập, hòa hợp, bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau. 

Cuộc sống vật chất đã khiến chúng ta luôn tập trung vào việc kiếm tiền nhiều hơn là lắng nghe nội tâm bản thân. Nhìn từ quan điểm của Đạo giáo, những hành động này thuộc về cực dương, là những chuyển động bên ngoài, và chúng ta cần một sự cân bằng giữa hai thái cực. 

Do đó, Đạo Đức Kinh khuyến kích chúng ta nên dành thời gian để trau dồi cực âm, là nội tâm bên trong của bản thân. Lời khuyên là bạn có thể bắt đầu với bộ môn thiền chánh niệm để cân bằng bản thân, lắng nghe cơ thể và tìm nguồn năng lượng cho những đột phá của mình.

2. Nếu bạn thực sự muốn biết về chính mình, đừng "dán nhãn" cho bản thân
Nếu bạn định nghĩa được chính mình, bạn sẽ không thể biết bạn thực sự là ai. Những gì bạn thì thầm với chính mình mỗi ngày sẽ trở thành ý thức về bản thân định hướng suy nghĩ và hành động của bạn. 

Không tự dán nhãn hoặc cho phép bất cứ ai khác dán nhãn cho bạn, sẽ khiến bạn tự do khám phá và thử nghiệm nhiều hơn. Bạn sẽ không bị giới hạn phạm vi phát triển trong vùng an toàn mà thỏa sức vùng vẫy ở những chân trời mới. 

3. Lòng tốt và lòng trắc ẩn sẽ luôn chiến thắng 
Dòng sông nuôi dưỡng mọi thứ nó đi qua mà không cần tìm kiếm sự công nhận. Giống như việc cho đi lòng tốt và không nghĩ tới những gì được nhận sẽ giúp chúng ta còn nhận được nhiều hơn những gì mong đợi. Lòng trắc ẩn là cảm giác hòa hợp với tâm trạng của người khác và sự tốt bụng cũng bắt nguồn từ lòng trắc ẩn. Khi bạn rèn luyện lòng trắc ẩn, bạn học cách lắng nghe nội tâm mình và hiểu bản thân nhiều hơn. 

Những lời tử tế sẽ tạo ra sự tự tin. Tử tế trong suy nghĩ tạo nên sự vĩ đại. Tử tế khi cho đi sẽ tạo ra tình yêu. Được ai đó yêu thương sâu sắc, bạn có thêm sức mạnh. Yêu thương ai đó sâu sắc, bạn sẽ có thêm sự can đảm

4. Bản ngã sẽ không bao giờ cho bạn niềm vui thực sự
Người quá đề cao bản ngã không thể biết mình thực sự là ai. Người thắng được người khác chưa chắc đã thắng được chính mình. Người càng cố gắng tỏa sáng sẽ làm lu mờ chính bản thân họ.

5. Hãy là chính mình, đừng quan tâm người khác nghĩ gì 
Suy nghĩ của người khác có thể trở thành gánh nặng cho bạn. Khi bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về mình, bạn sẽ lãng quên mất bản thân. Một khi bạn từ bỏ việc nghĩ quá nhiều về ý kiến và suy nghĩ của người khác, bạn sẽ tìm thấy con người thật của mình. 

Mọi người có quyền nghĩ về bất kỳ những gì họ muốn. Nhưng những gì mà người khác nghĩ về bạn không thể thay đổi được thân phận cũng như giá trị của bạn, trừ khi là bạn cho phép họ làm điều đó. Đây là cuộc sống của bạn, không ai có thể sống cuộc đời của bạn được. Cuối cùng thì bạn là người duy nhất đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. 

Bạn chỉ có duy nhất một cuộc sống thôi, sao lại phải dành thời gian để lo lắng xem người khác nghĩ gì về mình? Làm bất cứ điều gì bạn thích, hãy là bất kỳ ai mà bạn muốn. Hãy sống cuộc đời của mình, đừng quan tâm đến suy nghĩ của người khác, hãy sống một cách trọn vẹn nhất để không phải hối tiếc.

6. Trí tuệ và sức mạnh đến từ khiêm tốn
Người đàn ông khôn ngoan là người biết những gì anh ta không biết. Con người sống ở đời, nên biết cúi đầu, luôn không những nỗ lực, học hỏi và đừng quá ngạo mạn. Ngựa non đừng háu đá, bằng không sẽ ngã vô cùng đau. 

Người khiêm tốn, không bao giờ hài lòng với thành công của bản thân, luôn cho rằng mình thật nhỏ bé. Họ lúc nào cũng nghĩ mình tầm thường, luôn tìm đủ mọi cách để vươn lên. Chính vì vậy, họ luôn đạt được thứ mình mong muốn, thậm chí còn nhiều hơn gấp trăm lần.

7. Chỉ khi buông bỏ bạn mới thực sự được giải thoát
Khi buông bỏ bạn sẽ thấy mọi thứ đều dễ dàng. Người biết buông bỏ mới là người có thể chiến thắng. Vì thế, bậc thánh nhân hành động mà không động thủ, dạy dỗ người khác mà không nói ra lời. Điều gì tới, hãy để nó tự tới. Điều gì cần đi, nó sẽ tự đi. Ta có mọi thứ nhưng không sở hữu thứ gì, ta hành động nhưng không cầu được mất. Khi mọi việc hoàn tất, hãy quên nó đi. Đó là lý do nó sẽ tồn tại mãi.

Nếu muốn là tất cả, hãy trở thành một phần trước đã. Nếu muốn được đủ đầy, hãy để bản thân được trống rỗng. Nếu muốn được tái sinh, hãy chấp nhận cái chết. Nếu muốn nhận, hãy cho đi trước.

Theo Medium

0 comments:

Đăng nhận xét