Dù Cty Thiên Phú không còn bất cứ dự án, tài sản nào và đang nợ như "chúa Chổm" hàng trăm tỷ đồng thì vẫn có người "nhảy vào" mua 100% vốn góp công ty với giá 90 tỷ. Sau đó những người này lại đòi tòa được làm "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan". Điều đáng bàn, vụ chuyển nhượng này chỉ thực hiện trước 4 ngày lãnh đạo Cty Thiên Phú bị Bộ Công an bắt giam.
Dự án Khu dân cư Hòa Lân bị bỏ hoang nhiều năm trời vì không thể triển khai.
Bán toàn bộ vốn góp trước khi bị bắt giam 4 ngày
Dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) từng là của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú, đã bị bán đấu giá để thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, sau đó, Thiên Phú khởi kiện đòi "hủy kết quả đấu giá", đòi lại dự án và được TAND quận 7 (TP HCM) thụ lý giải quyết hơn 1 năm qua.
Ngày 11/3/2020, tòa đang xét xử thì phải hoãn do có một đương sự được xác định là F3 của dịch Covid-19.
Khi tòa đang xét xử vụ kiện dự án Hòa Lân, thì Giám đốc Thiên Phú đồng thời vướng vào một vụ án Theo thông báo của Bộ Công an, ngày 27/3, Giám đốc Thiên Phú là Bùi Thế Sơn và hai phó GĐ cũ là Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ba người này đã lập khống danh sách để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của Tập đoàn Kim Oanh, đơn vị đã mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân. Sau khi ông Sơn bị bắt, ông Nguyễn Văn Tuấn (người mới được bổ nhiệm làm Phó GĐ), là người đại diện của Thiên Phú.
Mới đây nhất, ngày 10/4, Thiên Phú có đơn yêu cầu gửi đến TAND quận 7 đòi đưa hai cổ đông mới vào "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" trong vụ kiện.
Theo đơn, ngày 23/3, hai thành viên công ty là ông Bùi Thế Sơn, sở hữu phần vốn góp trị giá 89,1 tỷ (tương đương 99% vốn điều lệ) và ông Trương Thành Phú, sở hữu phần vốn góp trị giá 900 triệu (tương đương 1% vốn điều lệ) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho hai người khác.
Người nhận chuyển nhượng là bà Phạm Thị Hường (ngụ số 18B, đường Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhận chuyển nhượn từ ông Sơn phần vốn góp 89,1 tỷ; và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (cùng ngụ đúng địa chỉ với bà Hường) nhận chuyển nhượng từ ông Phú phần vốn góp 900 triệu.
Ngày 27/3 và ngày 6/4, Thiên Phú đã nộp hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật và thay đổi thành viên công ty đến Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương. Đề nghị này đến nay vẫn chưa được chấp nhận.
Trong đơn yêu cầu do người đại diện của Thiên Phú là ông Nguyễn Văn Tuấn ký, cho rằng bà Hường và bà Châu là hai cổ đông mới nên tòa phải cho hai người này vào làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện mà tòa đang giải quyết.
Yêu cầu nêu trên của Thiên Phú có chính đáng, hợp pháp hay không? LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM), giải thích: "Vụ tranh chấp mà Thiên Phú đang khởi kiện ở TAND quận 7 không liên quan phần vốn góp, cổ phần của công ty. Thiên Phú kiện đòi hủy "kết quả đấu giá" và "hợp đồng tín dụng vô hiệu". Tức là pháp nhân đi kiện. Vụ án không liên quan đến cổ phần, vốn góp và pháp nhân đi kiện thì tòa chỉ mời người đại diện theo pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu thay đổi người đại diện theo pháp luật thì phải thông báo cho tòa, và việc thay đổi này không ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết".
"Trước đây mời Thiên Phú, ai đại diện thì tham gia. Sau này nếu bà Hường hay bà Châu là đại diện Thiên Phú thì người đó tham gia. Đòi hỏi đưa cả hai người này vào cùng làm "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" là không đúng quy định pháp luật".
Nghi vấn về những thay đổi của Thiên Phú, một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nói: "Có những bất thường như Thiên Phú không còn bất cứ dự án, tài sản nào và đang nợ hàng trăm tỷ đồng, sao vẫn có người "nhảy vào" mua 100% vốn góp công ty với giá 90 tỷ.? Vấn đề này, Sở KH&ĐT Bình Dương cần kiểm tra. Quan điểm cá nhân của tôi là việc ông Sơn chuyển nhượng cổ phần trước khi bị bắt 4 ngày là có dấu hiệu "tẩu tán tài sản". CQĐT Bộ công an nên làm rõ vấn đề này. Nếu chưa được kết luận thì Sở KH&ĐT càng thận trọng".
Bình Dương đang có thế lực Mafia còn ghê gớm hơn "Đường Nhuệ"ở Thái Bình?
Đây không phải lần đầu Thiên Phú dính những bê bối về chuyển nhượng vốn góp. Trước khi bị bắt vì bị cho là đồng phạm với ông Bùi Thế Sơn lừa tiền tập đoàn Kim Oanh, ông Đặng Bình Anh Trọng (SN 1982, nguyên Phó GĐ Thiên Phú) là thành viên góp vốn 1%, đã phản ánh việc bị "giang hồ" ép chuyển nhượng phần vốn góp, nói cách khác là cướp phần vốn góp.
Theo ông Trọng, ông tham gia Thiên Phú từ năm 2005, đến năm 2009 là cổ đông 1% và đến năm 2015 là Phó GĐ công ty.
Sau 12 lần đấu giá, dự án khu dân cư Hòa Lân mới bán thành công. Cty Kim Oanh mua trúng tài sản đấu giá là với mức 1.353 tỷ đồng sau 14 vòng trả giá, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
"Khoảng tháng 5/2019, tôi được Sở KH&ĐT Bình Dương mời làm việc vì Thiên Phú mà chính ông Sơn có văn bản ký xin thay đổi phần vốn góp, chuyển phần vốn góp 1% của ông Trọng cho một người khác. Theo lời ông Trọng, trong khi ông có mặt tại Sở KH&ĐT thì một nhóm người lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà riêng của ông. "Nhóm này chia thành nhiều tốp, cứ hết tốp này vào, lại đến tốp kia và liên tục hỏi: "Ông Trọng đâu". Họ chụp hình nhà tôi gửi cho nhóm ở trên Sở và nhóm này đưa cho tôi xem, cùng với lời đe dọa: "Hợp tác thì mọi chuyện sẽ tốt". Họ ép tôi phải chuyển nhượng 1% vốn của Thiên Phú với giá 900 triệu".
Dù đã làm đơn báo tin đến công an, nhưng sau khi tìm cách trì hoãn đến hai ngày mà vẫn thấy nhóm đối tượng lạ mặt đến nhà đe dọa, nhắn tin gọi điện dọa dẫm, đến ngày thứ 3, do lo sợ gia đình xảy ra chuyện không hay, ông Trọng nói đã đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp 1% cho một người tên là Trương Thành Phú, dù chưa nhận được số tiền 900 triệu.
Về phía Kim Oanh, đơn vị mua dự án Hòa Lân từng là của Thiên Phú, cũng cho rằng bị một nhóm đối tượng do người của Thiên Phú chủ mưu, liên tục có những hành vi dọa dẫm, phá rối hoạt động của Kim Oanh. Nhóm người này liên tục có đơn đến Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam và một số cơ quan đơn vị, cho rằng Kim Oanh "có nhiều hành vi vi phạm pháp luật và chưa đáp ứng được các điều kiện tặng Huân chương Lao động hạng Nhì".
Dù Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 432/BTĐKT-NV ngày 23/12/2019 khẳng định việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Kim Oanh là đúng quy định, xứng đáng, chính xác, đúng tiêu chí; nhưng nhóm người vẫn liên tục có đơn "đòi xem xét lại", để một số cơ quan chuyển đơn đến Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua Khen thưởng TW, Văn phòng Chính phủ… gây nhiễu loạn thông tin.
Tại dự án Cầu Đò – Mỹ Phước 4, Kim Oanh nghi vấn nhóm người này người chủ mưu lập kế hoạch cho hai người xây trộm nhà trên dự án, rồi sau đó vu khống Kim Oanh lừa đảo.
Phản ánh thông tin về vụ việc giữa Kim Oanh và Thiên Phú, đã có nhiều tờ báo đưa tin chính xác về sự việc. Tuy nhiên phóng viên, lãnh đạo một số tờ báo này liên tục bị đe dọa, treo đầu heo trước cổng, khóa trái cửa… Thậm chí ngày 26/4/2019 một tờ báo tại TP HCM đã phải có văn bản số 95/BTN gửi Công an TP HCM và Công an huyện Nhà Bè về sự việc, đề nghị hỗ trợ bảo vệ. Kim Oanh nghi vấn nhóm người do Thiên Phú cầm đầu đứng sau những hành vi hăm dọa này.
Chưa hết, nhóm này cũng được cho là đứng sau vụ việc hăm dọa, tạt sơn vào trụ sở Cty CP thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới (đơn vị thẩm định giá dự án Hòa Lân). Nhà riêng của ông Nguyễn Công Tiến, GĐ công ty (R330, đường Võ Thị Sáu, KP7, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và trụ sở công ty (số E54, đường D9, KP7, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị tạt sơn vào hồi 19h30 ngày 1/6/2019.
Kim Oanh cho rằng đây là những hành vi tội phạm kiểu mới trên thương trường, do những đối tượng giang hồ núp bóng doanh nhân thực hiện, gây hại cho Kim Oanh nói riêng và môi trường đầu tư tại Bình Dương cũng như cả nước nói chung, nên đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo, Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ.
"Hiện chúng tôi bị một nhóm lợi ích tấn công nhằm mục đích triệt hạ, không những muốn đẩy chúng tôi ra khỏi thị trường BĐS Bình Dương, mà còn muốn đẩy lãnh đạo DN chúng tôi vào vòng lao lý. Họ đã sử dụng đủ loại thủ đoạn tinh vi để nhằm chiếm đoạt các dự án mà chúng tôi đã đầu tư từ nhiều năm trước, và hiện đất đã lên giá. Tôi tin tưởng trước sự việc vô cùng nghiêm trọng này, Chính phủ sẽ sớm có chỉ đạo, Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ trắng đen sự việc". Bà Kim Oanh, TGĐ Tập đoàn Kim Oanh
Nguổn Báo Dân Sinh
0 comments:
Đăng nhận xét