Bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei - bước đầu đã thua trong cuộc chiến pháp lý chống lệnh dẫn độ từ Canada sang Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Châu xuất hiện tại tòa hôm 27-5. Ảnh: Getty Images
Trong phán quyết hôm 27-5, Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada xác định vụ xem xét dẫn độ bà Mạnh đáp ứng tiêu chuẩn “tội phạm kép”. Theo tiêu chuẩn này, hành vi “lừa gạt ngân hàng” mà Mỹ cáo buộc bà cũng là hành vi vi phạm luật pháp tại Canada. Vì vậy, phiên điều trần của bà Mạnh vẫn tiếp tục tại Canada.
Trong các phiên tranh tụng trước đây, đội ngũ luật sư bảo vệ bà Mạnh biện hộ rằng hành vi phạm tội mà Washington cáo buộc nữ CFO 48 tuổi (nói dối các tổ chức tài chính để “lách” lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran) là không vi phạm pháp luật Canada, bởi Ottawa đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt Cộng hòa Hồi giáo từ nhiều năm trước. Trong khi đó, các công tố viên Canada bảo vệ đề nghị dẫn độ của phía Mỹ, với lập luận rằng cáo buộc “lừa gạt ngân hàng” - một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ - mới là lý do chính của việc bắt giữ bà Mạnh. Mỹ cáo buộc bà này lừa dối các ngân hàng bao gồm HSBC về các giao dịch trị giá hơn 100 triệu USD của tập đoàn Huawei tại Iran, vi phạm lệnh cấm bán công nghệ cho Tehran. Do đó, phía Mỹ muốn dẫn độ bà về để xét xử tại New York.
Phản ứng đối với phán quyết trên, Mỹ lên tiếng hoan nghênh, còn Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada chỉ trích Ottawa “thông đồng” với Washington trong “vụ việc chính trị nghiêm trọng”. “Bằng việc lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương và tùy tiện thực hiện các biện pháp cưỡng bức chống lại bà Mạnh Vãn Châu, Mỹ và Canada đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc. Mục đích của Mỹ là hạ bệ Huawei và các công ty công nghệ cao khác của Trung Quốc, còn Canada đã hành động như kẻ thông đồng với Mỹ. Sự việc này hoàn toàn là vụ việc chính trị nghiệm trọng” - thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Washington “bắt nạt” sự độc lập về tư pháp và ngoại giao của Canada. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Canada ca ngợi “tính độc lập” trong quy trình dẫn độ của nước này.
Dự kiến, phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh về Mỹ sẽ được mở lại vào ngày 15-6 tới. Khi đó, ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi sẽ tranh luận về việc các quyền của bà liệu có bị vi phạm khi bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver hồi tháng 12-2018 hay không. Chính phủ Canada cũng nêu rõ một số tài liệu liên quan đến vụ này là bí mật pháp lý, nên bà Mạnh không được tiếp cận.
Giới quan sát nhận định bà Mạnh sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc chiến pháp lý cam go. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong số 798 đề nghị dẫn độ của Mỹ mà Canada nhận được từ năm 2008, Ottawa chỉ mới từ chối dẫn độ 8 trường hợp, tương đương 1%.
Việc bắt giữ bà Mạnh theo đề nghị của Mỹ cũng đã đẩy Canada vào “thế kẹt” trong mối quan hệ với hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Trong một động thái được cho là trả đũa Ottawa, Bắc Kinh đã bắt giam 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một loạt nông sản của Canada trị giá hàng tỉ USD.
Nhiều nhà quan sát cho rằng khi đề nghị dẫn độ của Mỹ vượt qua được “ải” đầu tiên này, tiến trình xét xử bà Mạnh sẽ kéo dài nhiều năm, đồng nghĩa 2 công dân Canada trên sẽ tiếp tục bị giam giữ. Bà Mạnh hiện vẫn bị quản thúc tại nhà riêng ở Vancouver.
Theo CNBC, AP
0 comments:
Đăng nhận xét