20 thg 5, 2020

Chỉ khi tôi 29 tuổi mới nhận ra: Trưởng thành sẽ dễ dàng hơn gấp 10 nếu bắt đầu bằng việc từ bỏ 3 thứ

Trưởng thành không phụ thuộc vào tuổi tác, mà phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Một người dù 29 tuổi hay 92 tuổi mà không học cách từ bỏ 3 thứ này thì vẫn chưa thể trở thành người lớn đích thực.

01. Từ bỏ “mặt mũi”


Khi một người quá chú trọng vấn đề “mặt mũi”, chỉ biết sống bằng sĩ diện đạt được từ đánh giá của người khác thì vô hình chung, bạn đang tự trói buộc bản thân, để người khác kiểm soát chính mình.

Một số người cho biết họ muốn tiêu tiền nhiều chỉ để có được sự công nhận của người khác, họ luôn khao khát được xã hội nhìn nhận với ánh mắt ngưỡng mộ. Người này thấy người kia sắm được xe sang, xây được nhà to thì cũng sống chết vay mượn, mua sắm để tỏ ra rằng ta không thua kém gì nó. Cái nhìn của người đời ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự trọng của họ.

Có thể thấy rằng, khi quá phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác, bạn sẽ mua sắm những món đồ không cần thiết chỉ để "làm màu" với những người không hề và thậm chí không bao giờ quan tâm đến bạn. Chính thói “sĩ diện hão” này đang làm hao hụt tài chính cá nhân cũng như giá trị con người thực sự của bạn.

Có người từng nói rằng: “Ở trên đường, nếu bạn vấp ngã một cái, người qua đường cũng chỉ vội vàng lướt qua, ai có thời gian đâu mà để ý?”

Trong tâm trí của người vấp ngã sẽ liên tục “chuyện bé xé to”, phóng đại mức độ ảnh hưởng của nó lên gấp nhiều lần, tựa như cả thế giới đều nhớ rõ khoảnh khắc đáng xấu hổ đó của bạn. Thế nhưng, trong mắt người ngoài, chuyện đó còn không thể chiếm được 1% sự chú ý của họ.

Bởi vậy mới nói, cuộc sống giống như uống nước, ấm lạnh thế nào chỉ có bản thân mình hiểu. Đừng vì những thứ bên ngoài mà hy sinh sự thoải mái, tự do của bản thân. Hãy thật sự trưởng thành từ trong tâm trí bằng cách từ bỏ “mặt mũi”, sống là chính mình trước tiên.

2. Từ bỏ "phụ thuộc"


Bill Gates nói: "Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công, muốn làm nên nghiệp lớn, bạn phải đá chúng ra khỏi con đường của mình".

Một trong những đặc trưng của một người hoàn toàn khỏe mạnh chính là tính tự chủ và độc lập. Nếu vừa gặp vấn đề, bạn đã tìm cách đi theo người khác, tìm kiếm sự giúp đỡ của họ, không dám thể hiện bản thân hay tự quyết định theo ý mình thì chỉ chứng tỏ bạn vẫn sống với tâm lý ỷ lại đầy lười nhác.

Tự xây dựng cho bản thân một môi trường sống quá mức thuận lợi, không phải đối mặt với khó khăn, không cần phải nỗ lực phấn đấu mà vẫn có thể sống tốt, được giúp đỡ từng li từng tí, đây là nguyên nhân chính hình thành nên tâm lý ỷ lại, không thể độc lập tự chủ, không thể phát triển toàn diện tính cách ở bạn.

Có một câu chuyện xưa kể rằng, Tô Đông Pha cùng Phật Ấn thiền sư đi thăm chùa Linh Ẩn. Tại đây, Tô Đông Pha nhìn thấy tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cầm một tràng hạt trong tay, ông thắc mắc:

“Thế gian đều cầu Bồ Tát để được Ngài phù hộ, vậy Bồ Tát cũng cầm tràng hạt để cầu ai?”

Phật Ấn thiền sư nói: “Bồ Tát cũng cầu Bồ Tát thôi.”

Tô Đông Pha khó hiểu: “Tại sao Ngài lại phải cầu chính mình?”

Phật Ấn thiền sư đáp: “Vì Ngài càng hiểu đạo lý rằng, cầu người khác không bằng cầu chính mình, dựa người khác không bằng dựa bản thân.”

Đối với những người thành đạt trong sự nghiệp, từ chối ỷ lại vào người khác là một thử nghiệm lớn đối với năng lực bản thân. Điều đó có nghĩa là không thể dựa dẫm vào người khác, bởi vì như vậy là đã giao phó vận mệnh của mình vào tay người khác, mất đi quyền tự chủ trong công việc.

3. Từ bỏ “hòa đồng”


Có người nói rằng: “Bạn không cần phải phí công đuổi theo một con ngựa, thay vào đó hãy dành thời gian trồng cỏ, đợi đến khi xuân về hoa nở có thể thu hút cả một bầy ngựa tốt, khi ấy sẽ tha hồ lựa chọn”.

Trong đời sống, có rất nhiều người đã chọn cách từ bỏ bản thân, gắng sức lấy lòng người khác, hùa theo ý kiến của số đông để trở nên “hòa đồng”, không bị cô lập một mình. Đôi khi, người ta còn gọi đây là “hội chứng đám đông”.

Có một câu chuyện vui thế này:

Một cậu bé đang đi bên lề đường bỗng nhiên dừng lại, ngửa mặt lên trời. Vừa lúc có một vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại, ngước mắt nhìn theo. Rồi 1 bà đứng tuổi đi ngang qua cũng làm y như vậy, 1 người, rồi 1 người nữa….

Lúc cậu bé cúi xuống, quay ngang quay ngửa, ngạc nhiên khi thấy cả chục người đứng chung quanh mình, và cũng hành động y như mình.

Cậu hỏi: “Ủa ! Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao?”

Về vấn đề tương tự, người ta đã từng làm một thí nghiệm như sau:

Đặt một cây gậy nằm ngang trước một đàn dê, con dê đầu đàn nhảy qua, con dê thứ 2, thứ 3 cũng bắt chước nhảy qua. Sau đó người ta liền bỏ cây gậy đi, khi qua đây những con dê phía sau vẫn có động tác nhảy lên giống như những con dê đi trước, mặc dù cây gậy chặn đường không còn nằm ở đó.

Từ đó, có thể thấy rằng, tâm lý đám đông sẽ tác động tới một người nghiêm trọng như thế nào. Nếu chúng ta cứ mải chạy theo những gì mà số đông cho là hay, là đúng và sáng suốt mà không tự khai thác ý nghĩ của bản thân thì sớm muộn cũng đánh mất năng lực tư duy thông thường.

Không thể phủ nhận rằng, việc hòa hợp với số đông sẽ đem dễ dàng hơn, đem tới nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống tập thể, nhưng nếu vì những thuận lợi đó mà phải đánh mất chính mình, cố tình xu nịnh, hùa theo người khác, bạn sẽ có thể đánh mất những giá trị còn quan trọng hơn. Cho dù ý kiến bản thân có làm người khác mích lòng, khó chịu, đó cũng là tiếng nói của chính bạn, thể hiện tư duy và suy nghĩ của bạn từ sâu bên trong. Nếu chính bạn cũng từ bỏ nó thì ai sẽ là người lựa chọn chấp nhận đây?

Nói đến cùng, theo đuổi sự trưởng thành không chỉ nằm trong những biểu hiện bề ngoài hay tuổi tác và thời gian, điều quan trọng nhất là bạn phải thay đổi từ nội tâm bên trong. Nhân sinh càng độc lập, bạn mới càng đạt được sự tự do của chính mình.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét