18 thg 5, 2020

Chủ tịch Thế giới Di động: "Khi mình ở nơi có quá nhiều thông tin, mua là thắng chắc 99% nhưng ông Chủ tịch kinh doanh cổ phiếu của chính mình có vẻ…không đạo đức"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) trong cuộc họp với các nhà đầu tư vào tuần trước. Trong đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, ông Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu MWG nhưng chỉ mua thành công 200.000 cổ phiếu.

Điều này có mâu thuẫn không khi 1 tháng trước đó, ông Tài nhận định đây là "đây là cơ hội ngàn năm có một để tăng tỷ lệ sở hữu. Khó khăn mới phân định được doanh nghiệp nào có nền tảng ngon lành và doanh nghiệp nào chỉ có bề nổi. MWG là doanh nghiệp lớn, doanh thu vẫn tăng, lợi nhuận vẫn tăng và MWG không phải là anh béo phì chậm chạp. Đó là lí do vì sao ban lãnh đạo đăng ký mua vào, không phải đăng ký cho vui, đăng ký là để mua chứ không phải để hù dọa các bạn".

Thực tế đây không phải lần đầu ông Tài không mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký. Tháng 6/2019, ông Tài đăng ký mua 300.000 cổ phiếu nhưng chỉ thực hiện thành công 119.370 cổ phiếu. Sau giao dịch này, giá cổ phiếu MWG tăng một mạch từ 82.000 đồng/cp lên 125.000 đồng/cp chỉ trong 6 tháng.



Trong số các cổ đông nội bộ đăng ký mua, ông Trần Kinh Doanh, CEO MWG, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO công ty Thế giới di động, ông Trần Huy Thanh Tùng, thành viên HĐQT mua hết lượng đăng ký.

Thời điểm ông Tài mua cổ phiếu - tháng 6/2019 giá MWG ở mức 82.000 đồng/cp sau đó tăng mạnh.

Ông Tài thừa nhận rằng, "mua là thắng" nhưng "trong góc nhìn của anh cân nhắc mình có muốn kiếm tiền trên cổ phiếu của chính mình không, mình ở trong nơi có quá nhiều thông tin mình mua là thắng 99%, thua chỉ có 1% thôi. Trong bối cảnh ông chủ tịch kinh doanh cổ phiếu của chính mình, cạnh tranh với các cổ đông riêng lẻ, hỏi có đạo đức không thì đối với anh không có đạo đức". Ông Tài cũng tiết lộ việc đăng ký mua cổ phiếu lần này là do "một số cổ đông bảo anh mua đi để tạo niềm tin". Thực tế ông có thể mua được gấp 3-4 lần số lượng đăng ký, lên đến 1-2 triệu cổ phiếu nhưng "lấn cấn nên cuối cùng thôi".

Sau khi hoàn tất mua vào 200.000 cổ phiếu MWG, ông Tài hiện nắm giữ 12.043.298 cổ phiếu, tương đương 2,66% công ty, có giá trị khoảng gần 1.030 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới bán lẻ mà ông Tài làm thành viên HĐQT đang ở hữu 11,38% MWG, tương đương hơn 51,5 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 4.400 tỷ đồng.

Khi được hỏi về nhu cầu vốn của MWG sau dịch Covid-19, ông Tài cho rằng ông muốn ban Tài chính chuyển một phần từ nợ ngắn hạn sang vay trung dài hạn. Thực tế các hoạt động như sửa chữa mặt bằng hay mở rộng các trung tâm phân phối (DC) nên dùng nguồn trung dài hạn. Ông Tài cũng bày tỏ quan điểm nếu có nhu cầu vốn, ông sẽ ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu với cùng một quyền lợi như nhau chứ không phát hành riêng lẻ để tránh tình trạng bất công giữa các cổ đông (phát hành riêng lẻ phải có một tỷ lệ discount).

Ông Tài cũng bày tỏ quan điểm về ưu tiên số 1 của công ty là bảo vệ dòng tiền trong kinh doanh, do đó nếu tài chính không dư tiền công ty sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Với chính sách ESOP, những năm trước việc phát hành dựa vào tỷ lệ tăng trưởng theo năm (năm nay so với năm trước) nhưng do tác động của Covid-19, chính sách ESOP năm nay sẽ dựa trên số liệu tăng trưởng của 2020 so với kế hoạch đặt ra nhằm khuyến khích cán bộ nhân viên "bảo vệ thành quả của công ty trong giai đoạn khó khăn hiện nay".

Năm nay, MWG sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020 theo hướng giảm để phù hợp với điều kiện thị trường do tác động của Covid, nhưng đảm bảo tối thiểu 80% lợi nhuận của năm ngoái.

Đánh giá về khả năng Covid-19 quay lại làn sóng thứ 2, ông Tài khá thận trọng và cho rằng dịch bệnh chỉ được kiểm soát khi vaccine có mặt trên thị trường. Tuy nhiên ông Tài đánh giá rất cao khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. "Việt Nam quá giỏi trong việc kiểm soát dịch bệnh, chúng ta phải cảm ơn Thủ tướng và các cơ quan Chính phủ, anh nói chuyện với cổ đông nước ngoài và họ nói rằng Việt Nam chi phí không bao nhiêu nhưng kiểm soát dịch bệnh quá giỏi, quản trị tuyệt vời, là người dân anh rất biết ơn. Nếu dịch bệnh quay lại thì các kịch bản tiếp tục được sử dụng, nhưng sẽ có tinh chỉnh dựa trên trải nghiệm vừa qua để làm bài bản hơn".

Tháng 6 sẽ triển khai chương trình bán hàng lớn để kích cầu sau dịch
Trái với tâm lý khá thận trọng của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc công ty Thế giới di động ông Đoàn Văn Hiểu Em, quản lý 2 chuỗi Thegioididong và Điện Máy Xanh cho rằng đến cuối năm 2019, thị phần của Điện Máy Xanh ở mức 38% và đó là lí do còn nhiều cơ hội để mở rộng chuỗi này. Năm 2020, Thế giới di động sẽ tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi một số cửa hàng Thegioididong đủ lớn sang thành cửa hàng Điện Máy Xanh. Vì theo ông Hiểu Em, so với mô hình cửa hàng Thegioididong chỉ bán điện thoại thì Điện Máy Xanh có nhiều cơ hội hơn để tăng doanh số.

Tháng 4 là tháng bị tác động lớn nhất bởi Covid-19, hệ thống Thegioididong và Điện Máy Xanh bị đóng cửa gần 600 cửa hàng, doanh số giảm 30% nhưng ông Hiểu Em cho biết "ngay khi tháo gỡ cách ly, hệ thống này đạt tăng trưởng tốt do có chương trình từ trước để kích cầu mua sắm và bán các mặt hàng mùa vụ như máy lạnh, tủ lạnh, điều hoà, quạt mát…

Tháng 6 Thế giới di động dự kiến triển khai chương trình bán hàng lớn với nhiều khuyến mại để kích cầu mua sắm sau dịch.

Về hàng tồn kho, ông Hiểu Em cho biết tình hình tồn kho quý 1 tốt hơn nhiều so với cùng kỳ 2019, khoảng 20.000 tỷ. Mặc dù dịch bệnh từ tháng 2 làm cho sức bán giảm tuy nhiên công ty kiểm soát thông qua việc điều chỉnh đơn hàng với các nhà cung cấp. "Tôi tin rằng việc này không ảnh hưởng đến tồn kho và chi phí", ông Hiểu Em nói.

Nói về việc ngành hàng điện thoại giảm 1,7% và thị trường chung giảm 3,4%, ông Hiểu Em cho rằng thời điểm này cùng kỳ các năm trước các hãng đều tung ra sản phẩm mới nhưng do dịch bệnh nên năm nay các hãng đều phải dời thời gian ra mắt sản phẩm mới, do đó doanh số bán chậm. Tuy nhiên ông Hiểu Em cho rằng "chúng tôi đặt niềm tin rất lớn rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát".

Trong khi đó, với ngành hàng laptop, ông Hiểu Em thừa nhận rằng trước đây Thế giới di động đã bỏ ngỏ ngành hàng này tuy nhiên từ năm 2019 đã quay lại tập trung cho laptop. Công ty đã tăng từ 300 cửa hàng năm 2018 lên 500 cửa hàng năm 2019, năm 2020 sẽ triển khai trên 30 các trung tâm laptop (bán tất cả các sản phẩm có trên thị trường, cũng là hub để cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng còn lại). Hết thúc 4 tháng, chuỗi đã bán ra trên 100.000 laptop, dự kiến 2020 sẽ bán ra khoảng trên 300.000 chiếc, doanh số 4.000 tỷ, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ 2019.

Theo ông Hiểu Em, năm 2019, 2020 không có các giải bóng đá lớn, nên ngành hàng tivi chậm, nhưng lại là cơ hội lớn cho ngành hàng điện lạnh. Mảng máy lạnh năm 2019 đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 60% và 2020 đạt tỷ lệ 50-60% so với 2019, sản lượng năm nay kì vọng đạt 1 triệu chiếc máy lạnh, doanh số khoảng 800-1000 tỷ.

Do đã có kế hoạch đặt hàng từ trước nên tháng 5,6 hàng nhập khẩu của 2 chuỗi Thegioididong và Điện Máy Xanh vẫn có giá thành tốt, còn các đơn hàng tiếp theo có thể do tình hình dịch bệnh chi phí nhân công hay nguyên vật liệu tăng lên thì "xem xét có thể điều chỉnh giá bán của mình nếu nhập về giá cao hơn".

Lý do mở dịch vụ sửa chữa, bảo hành sau khi bán
MWG mới triển khai dịch vụ sửa chữa, bảo hành sau khi bán. Theo ông Tài, lí do đằng sau dịch vụ này đó là tầm nhìn dài hạn cho mảng online. Mảng online đang phát triển với kỳ vọng chiếm 30%, tức là với các sản phẩm điện thoại, điện máy 10 sản phẩm thì có 3 sản phẩm được bán online, nhưng lên 5 sản phẩm thì hơi khó. Vì ở các tỉnh, nếu không xây dựng được hệ thống "backend service" (hậu mãi) thì "online chẳng làm được gì lớn lao". Giống như đi mua 1 chiếc áo sơmi nếu hỏng thì vứt đi, nhưng đồ điện tử điện lạnh phải kỳ vọng chạy 5-7 năm, do đó MWG mở mảng kinh doanh liên quan đến sửa chữa và bảo hành sau khi bán, với tham vọng "sẽ thắng trên mặt trận này". Và Online sẽ chiếm 30% tổng số bán lẻ các ngành hàng này.

Thực tế hiện tại, khi dịch bùng phát doanh số bán online chiếm 20% tổng doanh số của MWG, nhưng sau đó sẽ duy trì ở mức 12-13% năm 2020.

Bách Hóa Xanh sẽ tiến ra cao nguyên và Nam Trung Bộ, đóng góp 20% tổng doanh thu Tập đoàn.
Theo chia sẻ của ông Trần Kinh Doanh, CEO MWG, năm 2020 BHX đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu tập đoàn. "Nếu đặt mục tiêu hòa vốn chi phí DC trước khấu hao thì cuối năm nay, còn bao gồm cả khấu hao thì khó hơi chút", ông Doanh trả lời về điểm hòa vốn của BHX.

Về chiến lược mở mới cửa hàng, năm nay BHX tiến ra vùng cao nguyên và Nam Trung Bộ, chưa có ý định tiến ra miền Bắc. Dự kiến năm nay mở 700-800 shop, bảo đảm mật độ shop đủ hiệu quả để trung tâm phân phối hỗ trợ.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Đức Tài, trong 1-2 năm tới BHX online sẽ cần được hỗ trợ rất lớn, BHX sẽ triển khai thêm nhiều DC để giao hàng nhanh và hiệu quả. "Với những mặt hàng giá trị thấp, từ 200-300 nghìn đồng/giỏ hàng, nếu giao 5-7km chi phí sẽ đội lên nhiều nhưng chỉ giao trong 2km là thắng", ông Tài nhận định.

Ông Doanh cho rằng "BHX không có rủi ro gì hết, mục tiêu mỗi ngày làm sao vượt qua điểm hòa vốn để có lời". Trong tháng 3, doanh thu trung bình 1 cửa hàng của BHX tăng vọt lên 1,65 tỷ đồng/tháng/cửa hàng do người dân tích trữ nhu yếu phẩm, sáng tháng 4 giảm nhẹ nhưng doanh thu trung bình từ nay đến cuối năm sẽ dao động trong khoảng 1,4-1,6 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, giảm nhưng không quay về như lúc trước Covid, tức là vẫn tăng so với trước kia. Được biết, biên lợi nhuận tháng 3 của Bách Hóa Xanh là 21%.

Theo Tổ Quốc

0 comments:

Đăng nhận xét