Khi cổ phiếu bị buộc phải rời sàn niêm yết, nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu sẽ là người chịu thiệt nhất bởi bán không ai mua, còn nắm giữ thì hầu như chẳng còn giá trị.
Rời sàn niêm yết, cổ phiếu chết thanh khoản
Từ ngày 19/6/2020, cổ phiếu LMH (của CTCP Landmark Holding) sẽ bị huỷ niêm yết trên sàn HOSE. Lý do là đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty.
LMH là trường hợp mới nhất bị huỷ niêm yết bắt buộc. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán kể từ đầu năm 2017 tới nay cho thấy, đã có 19 mã cổ phiếu nằm trong diện này. Trong đó, có 3 mã trở về thị trường giao dịch phi tập trung (OTC), 16 mã chuyển qua sàn UPCoM. Chưa rõ, tới đây, LMH sẽ chuyển giao dịch sang sàn nào.
Trong số 16 mã đã chuyển qua sàn UPCoM thì có tới 15 mã cổ phiếu không có thanh khoản, duy chỉ có cổ phiếu VNA (CTCP Vận tải biển Vinaship) là có thanh khoản với khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất khoảng 111.000 đơn vị.
Như vậy, cho dù cổ phiếu đang có thanh khoản tốt trên sàn niêm yết thì khi bị huỷ niêm yết chuyển sang UPCoM, việc giao dịch sẽ rất hạn chế.
Đối với sàn OTC, đây là nơi giao dịch phi tập trung mà người mua và người bán phải tự tìm lấy nhau nên thanh khoản càng thấp.
Chỉ những cổ phiếu của doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tăng trưởng và có câu chuyện kỳ vọng chuyển dịch từ sàn OTC lên niêm yết tập trung thì hoạt động mua - bán mới diễn ra dễ hơn.
Do vậy, nếu cổ đông, nhà đầu tư không may mắn “thoát hàng” trước thời điểm doanh nghiệp bị hủy niêm yết thì rất dễ bị kẹp lại trên sàn OTC.
Thực tế đã cho thấy, các cổ phiếu trước khi bị huỷ niêm yết thường tạo nên những bẫy tăng giá (Bull trap) khá lớn để thu hút nhà đầu tư.
Đơn cử như trường hợp CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG) bị huỷ niêm yết bắt buộc ngày 23/5/2019.
Trong vòng hơn 2 tháng trước ngày huỷ niêm yết, giá cổ phiếu này bật tăng từ 410 đồng/cổ phiếu lên vùng giá đỉnh ngày 23/4/2019 là 2.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 388% trong thời gian ngắn.
Trong phiên này, khối lượng giao dịch lên tới 6,1 triệu cổ phiếu/phiên, sau đó, cổ phiếu giảm cả về điểm số và thanh khoản. Tính tới thời điểm ngày 25/5/2020, thanh khoản trung bình 20 phiên là 52.000 cổ phiếu và giá rơi xuống còn 700 đồng/cổ phiếu.
Kịch bản cũng tương tự tại CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI), chuyển từ HOSE qua UPCoM từ ngày 20/5/2019.
Trước khi thông tin chuyển sàn được công bố ra thị trường, từ ngày 18/2/2019 tới ngày 25/4/2019, thị giá cổ phiếu PPI tăng từ 500 đồng/cổ phiếu lên 1.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 160%.
Thanh khoản trung bình 20 phiên là 597.000 cổ phiếu/phiên, có phiên khớp lệnh lên tới 2,4 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi chuyển sàn, thanh khoản và giá đều giảm mạnh. Tính tới 25/5/2020, giá cổ phiếu PPI chỉ còn 300 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh trung bình 20 phiên là 126.000 cổ phiếu.
Những nhà đầu tư không kịp bán ra sẽ bị mắc kẹt ở giữa khi bán không ai mua, mà tiếp tục nắm giữ thì cổ phiếu hầu như không còn giá trị.
Những doanh nghiệp bên bờ vực hủy niêm yết
Ngoài LMH, trong tháng 6 tới, có thêm hai cổ phiếu gia nhập “đội quân” bị hủy niêm yết bắt buộc. Đó là PVX và DNY.
Tính đến hết năm 2019, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã ghi nhận lỗ 3 năm liên tiếp. Quý đầu năm nay, Tổng công ty tiếp tục lỗ 40 tỷ đồng, nâng mức lỗ luỹ kế lên 3.752,7 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo kiểm toán năm 2019 của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. PVX sẽ chính thức huỷ niêm yết vào ngày 9/6/2020.
Trong khi đó, cổ phiếu DNY (của CTCP Thép Dana - Ý) sẽ bị huỷ niêm yết từ 5/6/2020 do doanh nghiệp đã có hai năm liên tiếp và lỗ lũy kế tính tới 31/3/2020 là 418 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 270 tỷ đồng.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, tới đây, có thể sẽ thêm nhiều cổ phiếu nữa thuộc diện này, nhất là những cổ phiếu của doanh nghiệp đã có hai năm liên tiếp thua lỗ với số lỗ rất lớn.
Tính tới 31/3/2020, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) đã ghi nhận mức lỗ luỹ kế 3.014,8 tỷ đồng, xấp xỉ mức vốn điều lệ 3.112 tỷ đồng.
TTF đã có hai năm liên tiếp thua lỗ, năm 2018 lỗ 715,2 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 1.002,6 tỷ đồng. Trong báo cáo quý I/2020, TTF ghi nhận lợi nhuận 1,7 tỷ đồng, doanh nghiệp thoát lỗ do ghi nhận thu nhập khác tới 58,4 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ ghi nhận 2,8 tỷ đồng.
TTF giải trình, trong khoản thu nhập khác đó có 54,3 tỷ đồng là khoản tiền từ việc bồi thường của cổ đông. Nếu tình hình kinh doanh của Công ty không khởi sắc trong năm 2020, nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc là rất cao.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp đều bị huỷ niêm yết bắt buộc.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đã lỗ 2 năm liên tiếp, năm 2018 lỗ 656,1 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 2.444,4 tỷ đồng và quý I/2020 chỉ lời 2,9 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của HNG, công ty kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (tồn tại từ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 và thêm ý kiến ngoại trừ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp.
CTCP Thép Việt Ý (VIS) cũng đã có 2 năm liên tiếp thua lỗ. Năm 2018, Công ty lỗ 326,3 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 218,7 tỷ đồng và quý I/2020 lỗ 41,7 tỷ đồng. Tính tới 31/3/2020, mức lỗ luỹ kế của VIS là 586,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 738,3 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP An Trường An (ATG), CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) đã lỗ hai năm liên tiếp. Với bối cảnh kinh doanh của ngành còn nhiều khó khăn, nhà đầu tư không thể không lo lắng về khả năng sẽ lại có thêm một năm thua lỗ.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
Tin liên quan:
0 comments:
Đăng nhận xét