14 thg 5, 2020

Cụ già kêu cứu vì bất ngờ bị ngân hàng kiện đòi 9 tỷ

Cụ Lê Ngọc Bản (SN 1949, ngụ quận 11, TP HCM) kêu cứu nguy cơ mất trắng căn nhà đang ở vì bị một nhóm người lừa mượn thế chấp vào ngân hàng rồi ôm tiền bỏ trốn, không trả nợ.

Bất ngờ bị ngân hàng khởi kiện  
Theo đó, mới đây Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bình Chánh kiện đòi Cty TNHH SX TM và DV Phú Hữu (trụ sở tại Bình Chánh) và cụ Bản liên đới trách nhiệm trả nợ khoản vay 4,8 tỷ, cùng tiền lãi. 

Theo Ngân hàng, năm 2007, Phú Hữu dùng tài sản ở Củ Chi để vay 1,8 tỷ. Năm 2008, bổ sung thêm tài sản của cụ Bản để vay thêm 3 tỷ nhưng không trả. Nay Agribank kiện đòi cụ Bản phải có trách nhiệm trả nợ số tiền hơn 9 tỷ, trong đó 3 tỷ tiền gốc và 6 tỷ tiền lãi.

Ngược lại, cụ Bản nói mình bị lừa. Cụ Bản trình bày năm 2007 quen ông Phạm Xuân Quang, GĐ Phú Hữu và ông Lý Văn Chức, GĐ Chi nhánh Agribank Bình Chánh (đã chết). Ông Quang đến nhà để mượn 1,6 tỷ nhưng cụ không có. Ông Quang mới đề nghị mượn căn nhà cụ đang ở tại số 133/3/5 Bình Thới, quận 11 để ông Quang vay tiền tạm thời. Và ông Chức bị cho là luôn có lời nói bảo đảm rằng ông Quang sẽ trả nợ, có tài sản để cụ Bản tin tưởng.

Ngày 10/1/2008, cụ Bản ký 3 văn bản: Văn bản thỏa thuận với ông Quang về việc đồng ý thế chấp căn nhà để Phú Hữu vay 1,6 tỷ; Biên bản họp HĐTV của Phú Hữu bổ sung thêm tài sản của cụ Bản, nâng mức vay ngân hàng lên 3,4 tỷ (trong đó, 1,8 tỷ Phú Hữu đã vay trước đây); Hợp đồng tín dụng với số tiền vay 1,6 tỷ.

Ngày 11/1/2008, cụ Bản tiếp tục ký hợp đồng thế chấp với Agribank Bình Chánh để đưa căn nhà của cụ bảo lãnh khoản vay 1,6 tỷ trên. Theo hợp đồng này thì căn nhà được phép bảo lãnh khoản vay tối đa 3 tỷ.

Năm 2011, tòa buộc các bên đăng ký giao dịch bảo đảm thì hợp đồng mới có hiệu lực nhưng đến năm 2019 tòa lại chấp nhận toàn bộ quá trình thế chấp. 

“Từ đó đến năm 2010, tôi cứ tưởng ông Quang lo trả nợ, trả lãi. Nhưng bất ngờ, tôi được tòa triệu tập vì là người bảo lãnh cho Phú Hữu vay mượn Agribank nhưng không trả một xu gốc, lãi nào. Đến lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa”, cụ Bản khẳng định chỉ chấp thuận thế chấp căn nhà của mình để Phú Hữu vay 1,6 tỷ chứ không phải 3 tỷ như ngân hàng nói.
Phiên sơ thẩm ngày 21/6/2019, TAND TP HCM tuyên buộc cụ Bản phải trả cho Agribank Bình Chánh hơn 9 tỷ, trong đó 3 tỷ gốc và 6 tỷ lãi.

Sắp mất nhà mới biết bị lừa 
Cụ Bản trình bày: “Họ đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa dối tôi. Ngay trong lần gặp mướn nhà, để tôi tin tưởng, ông Quang đưa ra 2 hợp đồng thế chấp 2 căn nhà, một ở Củ Chi và một ở Tân Phú; nói chỉ mượn đỡ căn nhà của tôi để đối ứng chứ ông ta có tài sản giá trị để đảm bảo khoản vay. Sau này tôi mới biết căn nhà ở Tân Phú là không có thật”.

“Thứ hai, cùng là căn nhà của tôi nhưng lại để đảm bảo cho hai hợp đồng tín dụng khác nhau. Tại tòa, tôi đã phân tích điều này, đó là sự gian dối và hợp thức hóa của nhóm ông Quang”.

“Dù căn nhà của tôi chỉ để đảm bảo khoản vay tối đa 3 tỷ nhưng ngày 14/1/2008, nhóm ông Quang đã rút 3,1 tỷ, vượt quá tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng vẫn chấp nhận và không thông báo cho chủ tài sản đảm bảo là tôi biết”.

Vấn đề tiếp theo là việc cụ bị làm giả chữ ký trong biên bản họp HĐTV của Phú Hữu. Như đã nêu, ngày 10/1/2008, HĐTV Phú Hữu họp có sự tham gia của cụ Bản thì thống nhất Công ty chỉ vay tối đa 3,4 tỷ. Nhưng sau đó, ngày 29/1/2008, nhóm ông Quang tự lập ra biên bản họp HĐTV thống nhất Phú Hữu sẽ dùng căn nhà của cụ Bản vay tối đa 3 tỷ.


Dù không tham gia nhưng cụ Bản vẫn có tên, chữ ký trong biên bản. Từ biên bản này, nhóm ông Quang tiếp tục được rút thêm tiền khiến số nợ lên đến 4,8 tỷ và căn nhà cụ Bản dù chỉ được cụ đồng ý đảm bảo vay 1,6 tỷ thì nay bị vay lên 3 tỷ.

Việc giả chữ ký cụ Bản trong biên bản ngày 29/1/2008 đã được kết luận là dấu hiệu phạm tội hình sự. “Tòa không sử dụng kết luận này mà cứ khăng khăng nói tôi đảm bảo khoản vay 3 tỷ”, cụ Bản bức xúc.

“Từ ngày vay 4,8 tỷ, nhóm ông Quang biến mất, không trả nợ. Từ năm 2008 đến nay và trong 10 năm thụ lý, tòa không triệu tập được ông Quang. Cty Phú Hữu cũng không biết địa chỉ ở đâu. Bây giờ mọi trách nhiệm đều đổ về tôi. Một chữ ký cho đồng ý thế chấp căn nhà để vay 1,6 tỷ đồng nay phải trả 9 tỷ, bằng giá trị căn nhà. Tòa tuyên như thế là làm thiệt hại cho tôi”, cụ Bản nói.

Ngoài ra, việc thế chấp căn nhà không được đăng ký giao dịch bảo đảm. Chính TAND TP HCM năm 2011 đã ra quyết định buộc phải thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo nếu không thì hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nhưng không hiểu sao đến năm 2019, chính TAND TP HCM lại chấp thuận toàn bộ quá trình thế chấp để buộc cụ Bản trả hơn 9 tỷ.

Do không đồng ý với bản án sơ thẩm, cụ Bản kháng cáo. Dự kiến phiên phúc thẩm sẽ được mở vào ngày 15/5. 

Có dấu hiệu hình sự nhiều tội danh 
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nói: “Tại phiên sơ thẩm, tôi và cụ Bản đã phân tích những vấn đề cho thấy có dấu hiệu hình sự như hành vi giả chữ ký của cụ Bản để nâng mức vay vốn, từ đó rút tiền, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, vay tiền xong, ông Quang và Phú Hữu biến mất là có sự tính toán từ trước, nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay được.

Cần phải khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi cho nhóm ông Quang rút 3,1 tỷ, vượt quá hạn mức của tài sản thế chấp 100 triệu là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, không hiểu sao cấp sơ thẩm không làm rõ những nội dung trên để chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Ngoài ra, vụ án được thụ lý từ năm 2010 nhưng đến năm 2019 mới đưa ra xét xử là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Chính việc kéo dài này khiến lãi suất tăng cao, làm cụ Bản thiệt hại”.

Nguồn PLO

0 comments:

Đăng nhận xét