1 thg 5, 2020

Dư nợ margin toàn thị trường giảm mạnh ngay khi VN-Index tạo đáy 662 điểm vào cuối quý 1 - 2020

Thống kê vào cuối quý 1 cho thấy dư nợ margin toàn thị trường đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với đầu năm.

Những tháng đầu năm diễn ra không mấy êm ả với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến chỉ số VN-Index từ mức 960,99 điểm đã lao dốc xuống 662,53 điểm vào cuối quý 1/2020, tương ứng mức giảm 31% chỉ trong 1 quý.

Áp lực giảm sâu trong thời gian ngắn khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và hoạt động cắt giảm margin để bảo vệ danh mục đã diễn ra mạnh mẽ. Thống kê vào cuối quý 1 cho thấy dư nợ margin toàn thị trường đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với đầu năm.

Đáng chú ý, phiên 31/3 cũng là thời điểm VN-Index tạo đáy tại 662,53 điểm và sau đó đã hồi phục mạnh lên sát 800 điểm ngay trong tháng 4. Như vậy có thể thấy dư nợ margin toàn thị trường đã giảm ngay tại thời điểm thị trường tạo đáy.

Dư nợ margin thị trường giảm mạnh ngay khi VN-Index tạo đáy vào cuối quý 1

Dư nợ Mirae Asset gần bằng HSC và SSI cộng lại, TCBS ngược dòng tăng trưởng dư nợ margin
Sự sụt giảm dư nợ margin diễn ra ở hầu hết các CTCK trên thị trường. Trong top 10 CTCK có dư nợ margin cao nhất chỉ có TCBS với mức tăng trưởng 35% so với đầu năm lên 2.422 tỷ đồng.

Sau khi vượt qua SSI từ quý 3/2019, Mirae Asset tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 về dư nợ margin với 7.174 tỷ đồng trong quý 1/2020, con số này gần bằng tổng dư nợ của SSI (4.009 tỷ đồng) và HSC (3.554 tỷ đồng) cộng lại.


Thời gian gần đây, áp lực cạnh tranh đến từ các CTCK ngoại đang diễn ra một cách mạnh mẽ, đặc biệt đến từ nhóm CTCK vốn Hàn Quốc. Với tiềm lực tài chính hùng hầu, các CTCK ngoại đang ồ ạt tăng vốn lên hàng nghìn tỷ và gây ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ với các CTCK nội trên mọi phương diện, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).

Điều này có thể thấy rõ trong quý 1 khi top 10 CTCK có dư nợ margin lớn nhất thị trường có tới 4 cái tên nước ngoài, trong đó có 3 CTCK Hàn Quốc là Mirae Asset (7.174 tỷ đồng), KIS (2.422 tỷ đồng), KB Securities (1.874 tỷ đồng) và cái tên còn lại là MayBank KimEng đến từ Malaysia với dư nợ 1.642 tỷ đồng.

Áp lực cạnh tranh gia tăng từ "zero fee" và lãi suất margin thấp
Cách đây 1 năm, Thông tư 128/2018/TT-BTC (Thông tư 128), thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào TTCK Việt Nam đã chính thức có hiệu lực.

Một điểm đáng chú ý trong thông tư 128 là giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) chỉ áp dụng mức tối đa 0,5% giá trị giao dịch. Trước đó, theo thông tư 242/2016/TT-BTC, biểu giá tối thiểu được áp dụng là 0,15% và tối đa 0,5%.

Thay đổi này đồng nghĩa với việc sẽ không còn mức giá sàn dịch vụ mua, bán chứng khoán 0,15%, hay các CTCK có thể cạnh tranh lẫn nhau từ việc giảm phí dịch vụ. Kể từ khi ra đời thông tư 128, một số CTCK như VPS, FPTS, Yuanta, Pinetree…đã tiến hành hạ phí giao dịch, thậm chí một số công ty miễn phí giao dịch chứng khoán và đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Không những vậy, với lợi thế huy động được nguồn vốn lãi suất rẻ từ nước ngoài, các CTCK vốn ngoại có thể cho vay margin với lãi suất cực kỳ ưu đãi từ 8-9%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các CTCK nội (dao động từ 12-14%/năm). Điều này đang khiến xu hướng dịch chuyển của nhà đầu tư sang các CTCK có chi phí thấp.

Trong bối cảnh cạnh tranh bằng "tiền" rõ nét như này, các rõ ràng các CTCK nội sẽ khó có thể níu giữ nhà đầu tư ở lại. Những lợi thế về dịch vụ, tư vấn thực sự khó có thể mang lại khác biệt rõ nét giữa các CTCK. Do vậy trong thời gian tới, nếu như top 10 CTCK có dư nợ margin lớn nhất hay thị phần môi giới lớn nhất ngày càng vắng bóng các CTCK nội cũng là điều không quá bất ngờ.


Theo ICTVietNam

0 comments:

Đăng nhận xét