Những người bạn tốt sẽ cùng chung hoạn nạn, chia sẻ bọt bùi với nhau. Nhưng có nhiều trường hợp, nếu muốn tốt cho đối phương và chính bản thân mình, bạn nhất định không nên ra tay giúp đỡ.
Người ta vẫn nói rằng, thông minh là một loại thiên phú, còn lương thiện chính là một sự lựa chọn. Có tâm thiện là tốt nhưng nhất định phải biết tự bảo vệ bản thân, đặt lòng tốt ở đúng chỗ. Có như vậy, bạn mới giúp được người, cũng chính là giúp bản thân mình.
Thực tế là, con người phải học cách độc lập, tự lực đi lên từ trong gian khó để phát triển năng lực của bản thân lâu dài. Phụ thuộc và ỷ lại vào người khác chỉ khiến chúng ta ngày càng mai một năng lực của mình. Do đó, nếu coi đối phương là bạn tốt thực sự, có những loại việc dù thân thiết đến mấy cũng nên từ chối như sau:
Không nên giúp đỡ một người quá nhiều lần
Đôi khi, cho một nắm gạo, người ta có thể coi bạn là "ân nhân", nhưng cho một bao gạo, người ta sẽ coi bạn là kẻ thù. Có những sự giúp đỡ quá thường xuyên sẽ sinh ra phản tác dụng.
Khi người ta quen được giúp quá dễ dàng, tự họ sẽ sinh ra tâm lý ỷ lại, lúc nào cũng trông chờ vào người khác mà không học được cách tự lực cánh sinh. Sau này, dù đối mặt với khó khăn lớn hay nhỏ, suy nghĩ đầu tiên họ nảy ra trong đầu chính là đi tìm bạn nhờ vả giúp đỡ.
Nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Tôn Lệ từng tài trợ học phí và sinh hoạt phí cho một sinh viên trong bốn năm đại học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đó ép Tôn Lệ tiếp tục cho anh ta tiền, bởi suy nghĩ rằng: "Cô rất giàu có, cho tôi thêm một chút tiền thì có đáng gì?".
Một người không biết cách hài lòng, dù bạn có giúp đỡ nhiều đến đâu, họ cũng không thể cảm nhận được điều đó. Khi nhận sự giúp đỡ, họ sẽ chê ít. Đến khi bạn không thể giúp họ nữa, họ sẽ quay sang trách mắng. Những người mang trái tim ích kỷ như vậy không bao giờ cảm thấy hài lòng. Sự giúp đỡ của bạn luôn luôn không đủ, càng giúp càng rước rắc rối vào người.
Không đưa ra quyết định lớn thay cho người khác
Không ai có thể đảm bảo mình luôn chắc chắn 100%, không phán đoán và quyết định sai bao giờ. Có những việc đặt vào hoàn cảnh khác nhau sẽ phát sinh những vấn đề khác nhau, không ai có thể lường trước toàn bộ. Do đó, đừng thay mặt bất cứ ai để đưa ra quyết định có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của họ.
Ví dụ như chuyện xuất ngoại, kết hôn, chọn nghề, mua nhà, hoặc tranh chấp gia đình, chúng ta chỉ cần đưa ra lời khuyên để tư vấn hết lòng trên cương vị bạn bè. Thậm chí, chỉ đưa ra lời khuyên khi đối phương thực sự cần và hỏi tới sự sẻ chia của chúng ta.
Hãy để bản thân đối phương được đưa ra sự lựa chọn của chính mình. Tránh trường hợp họ nuối tiếc và hối hận về quyết định đó trong tương lai. Đừng chịu trách nhiệm cho cuộc đời bất cứ ai vì chung quy lại, đó là cuộc đời của họ, không phải của mình.
Không giúp đỡ những việc nằm ngoài khả năng của bản thân
Người xưa có câu: "Sức hèn chớ vác nặng nhiều, nói không trọng lượng chớ điều khuyên ai". Câu này muốn khuyên mọi người chỉ nên làm những gì mà bản thân có đủ năng lực, cho dù muốn làm việc thiện cũng nên hiểu rõ chừng mực.
Nguyên tắc quan trọng để giúp đỡ người khác là làm bằng chính sức của mình, và chỉ nhận lời những việc nằm trong khả năng của mình. Ngoài ra, đừng vì bất cứ lý do nào khác mà cố tình "nhận việc vào thân", cho dù đó có là vì tình nghĩa, vì sĩ diện...
Cứ nhận lời giúp đỡ những việc nằm ngoài tầm cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự gia tăng gánh nặng kinh tế và tình cảm của bản thân. Chúng ta tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó, cố sức mà không đạt kết quả như mong muốn, cuối cùng rơi vào cảnh làm ơn mắc oán, không nhận được lời cảm ơn.
Thấy bạn thất nghiệp, không nên giúp họ về làm việc trong công ty riêng của mình
Các mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống luôn là trở ngại vô hình nếu được đặt vào môi trường làm việc, công tác chuyên nghiệp. Xuất phát từ mối quan hệ bạn bè, chúng ta chú trọng sự chân thành, thật lòng và quan tâm lẫn nhau. Nhưng trong quan hệ lãnh đạo với nhân viên, chỉ có tinh thần chuyên nghiệp và hiệu suất công việc là những nhân tố được đề cao hàng đầu. Vô hình chung, sự khác biệt này sẽ sinh ra mâu thuẫn về lâu về dài.
Do đó, đừng biến bạn bè thành đồng nghiệp, càng không nên giúp đỡ họ bằng nền tảng sự nghiệp của chính mình trong tương lai. Hành động này chỉ khiến mối quan hệ trở nên dễ rạn nứt hơn.
Không giúp đỡ những chuyện đời sống riêng tư như gia đình, tình cảm
Những chuyện cá nhân chỉ có người trong cuộc mới nắm được rõ nhất. Chúng ta ở ngoài nhìn vào, chung quy chỉ là người ngoài cuộc nhìn thấy một phần của tảng băng trôi, không thể thấu tỏ mọi mâu thuẫn ẩn sâu bên trong. Mà chính những mâu thuẫn ngầm đó mới là bản chất thật sự của vấn đề cần phải giải quyết.
Do vậy, cố can thiệp hay giúp đỡ những chuyện tình cảm, riêng tư, gia đình chỉ là hành động tốn công vô ích. Nhiều trường hợp, hành động mà bạn cho rằng thiện ý lại gây ra hậu quả tai hại, phá hoại cuộc sống của đối thủ. Như vậy, kết quả cuối cùng không khác gì tự mua dây buộc mình, trở mặt thành thù với nhau.
Bạn có thể giúp đỡ những người nghèo, giúp họ cải thiện phần nào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng với những kẻ nghèo nàn về tâm hồn, tốt nhất là hãy tránh xa, bởi bạn sẽ không thể thay đổi được hiện trạng của họ.
Sau tất cả, để có thể làm một người tốt, bạn nhất định không được nhu nhược, nếu không điều đó sẽ chỉ gây rắc rối cho chính bạn. Không giúp đỡ những người nghèo khó gặp trên đường không phải ích kỷ, không tử tế. Điều quan trọng là bạn phải nhận biết lòng tốt của bạn có thực sự giúp đỡ được họ hay không.
Nếu chỉ thể hiện sự tốt bụng của mình một cách vô thức mà không suy xét trước sau, rút cuộc bạn cũng chỉ lãng phí lòng tốt vô ích mà thôi.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét