Chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể của năm 2020 vẫn đang được ngân hàng cân nhắc do có nhiều yếu tố tác động. Việc tăng vốn vẫn đang trong quá trình được các cơ quan liên quan xem xét, sửa đổi nghị định. Nếu có thể thực hiện, VietinBank sẽ ngay lập tức đạt chuẩn Basel II về tỷ lệ an toàn vốn.
Phiên họp cổ đông thường niên 2020 của VietinBank. Ảnh: VietinBank.
Sáng 23/05/2020, VietinBank (HoSE: CTG) họp cổ đông thường niên trình các kế hoạch kinh doanh tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp được giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2017-2019 và thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư... ngân hàng lên kế hoạch tổng tài sản tăng 1-3%, huy động vốn tăng 5-10% và dư nợ tín dụng tăng 4-8,5%. Trước đó, ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 8,5%.
Các chỉ tiêu kinh doanh trong tài liệu họp cổ đông của VietinBank đặt ra thấp hơn so với các chỉ tiêu đề cập tại báo cáo thường niên 2019 của ngân hàng như tổng tài sản có tăng 3-5% so với năm 2019, dư nợ tín dụng tăng 6-10%.
Tổng giám đốc Trần Minh Bình đề cập năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh có thể có tác động tới nền kinh tế, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hỗ trợ, cùng với doanh nghiệp vượt qua. Đây là yếu tố có thể tác động tới tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng trong năm nay.
Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể vẫn đang được ngân hàng phối hợp với các cơ quan để tính toán, để đưa ra con số phù hợp. Điều này một phần đến từ việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngân hàng với nền kinh tế và khách hàng như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ ảnh hưởng lãi dự thu, tác động đến thu nhập của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng và một số yếu tố khác.
Quý I, ngân hàng lãi sau thuế 2.404 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2019. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 ở mức 1,2 triệu tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng ở mức 910.544 tỷ đồng, giảm hơn 1,3%, trong khi huy động đạt 895.750 tỷ đồng, tăng 1%. Nợ xấu ở mức 16.915 tỷ đồng, tăng 55%, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,15% lên 1,83%.
Ông Thọ cho biết nợ xấu trong kỳ tăng do việc xử lý, thu hồi nợ trong kế hoạch bị ảnh hưởng khi tập trung đối phó dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số khoản nợ của khách hàng đã khó khăn lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến khó khăn kép ảnh hưởng tới khả năng trả nợ.
Đến nay, dư nợ tín dụng của ngân hàng giảm 2% so với đầu năm, do tổng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa được phục hồi. Nợ xấu cơ bản được kiểm soát như thời điểm cuối quý I. Đến cuối quý II, nợ xấu có thể đưa về 1,5%.
Ông Thọ cho biết lợi nhuận của VietinBank đang theo kế hoạch, dự kiến hết quý II đạt 6.000 tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn và hỗ trợ chia sẻ với khách hàng. Ngân hàng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, tối ưu hoạt động để đạt được kết quả cao nhất.
Tuy nhiên, VietinBank sẽ không định hướng cắt giảm nhân viên, do cần xây dựng cán bộ đảm bảo cho tăng trưởng trong tương lai. Thay vào đó, ngân hàng sẽ cơ cấu lại, bố trí cán bộ theo hướng phù hợp với năng lực, nâng cao năng suất của từng bộ phận.
Nói về việc tăng vốn, người đứng đầu VietinBank cho biết đang đợi các cấp ban ngành sửa đổi nghị định và chấp thuận việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Nếu có thể được thông qua ngân hàng sẽ đạt các tiêu chuẩn Basel II và có khả năng mở rộng tín dụng.
Vấn đề tăng vốn luôn được VietinBank đề cập trong 3 kỳ đại hội gần đây. Năm 2019 là hạn chót để các ngân hàng đáp ứng CAR theo chuẩn Basel II nhưng VietinBank vẫn chưa được NHNN chấp thuận, dù đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng vốn tạm thời như phát hành trái phiếu cấp 2 và thoái vốn tại các đơn vị liên kết.
Năm trước, Tổng Giám đốc Trần Minh Bình chia sẻ, VietinBank đã hoàn thành thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), thoái một phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý VietinBank, Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ VietinBank và đang tiếp tục bám sát tiến độ cơ cấu lại theo hướng tối ưu hoá danh mục đầu tư.
Tại đại hội, cổ đông cũng thông qua miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Hiroshi Yamaguchi và ông Hideki Takase theo đề xuất từ cổ đông lớn The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ, đồng thời bầu thay thế ông Masahiko, ông Shiro Honjo và bà Nguyễn Thị Bắc (thành viên độc lập).
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét