15 thg 5, 2020

Kho bạc Nhà nước ồ ạt rút tiền tại các ngân hàng thương mại

Trong quý 1/2020 Kho bạc Nhà nước đã rút hơn 100 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại. Con số này có thể còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Theo số liệu cập nhật từ báo cáo tài chính quý 1/2020 của hệ thống ngân hàng, tính đến ngày 31/3, tổng lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng đã giảm mạnh hơn 108 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm 42% so với cuối năm 2019.

Trong đó, KBNN rút tiền mạnh nhất tại Vietcombank. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu về nhận tiền gửi từ KBNN trong năm 2019. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, quy mô tiền gửi thanh toán của KBNN tại Vietcombank giảm từ mức hơn 89.289 tỷ đồng vào cuối năm 2019 xuống còn hơn 28.666 tỷ đồng, tương đương giảm gần 68%.

Cùng trong tình cảnh nêu trên, tiền gửi KBNN tại BIDV cũng giảm mạnh từ gần 88.839 tỷ đồng xuống còn 46.431 tỷ đồng, tương đương mức giảm 48%. 

KBNN đang rút mạnh tiền gửi tại các NHTM
Đáng chú ý, trong xu hướng rút mạnh tiền gửi tại Vietcombank và BIDV của KBNN thì tiền gửi của KBNN tại VietinBank chỉ giảm nhẹ khoảng 5 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 8% so với cuối năm 2019.

Cho đến thời điểm hiện tại Agribank vẫn chưa công bố BCTC năm 2019, tuy nhiên theo BCTC bán niên của ngân hàng này thì lượng tiền gửi tại đây đến cuối tháng 6/2019 là 45.182 tỷ đồng.

Đấu thầu để được nhận tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước

Theo quy định mới của Bộ Tài chính, từ tháng 11/2019, nguồn tiền gửi có kỳ hạn của KBNN bắt đầu được cơ cấu lại, về số lượng, kỳ hạn và lãi suất, gửi tại các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu.

Theo đó, trên cơ sở cân đối nguồn ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi tại mỗi thời điểm, KBNN sẽ gửi thông báo đến những ngân hàng thương mại được chọn chào thầu.

Quy định trên được đánh giá là sẽ tạo thay đổi lớn và có ảnh hưởng tới nguồn tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, đến cân đối vốn và có thể gián tiếp ảnh hưởng tới lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Hiện cũng chưa có bất kỳ thông tin nào công khai về số lượng những ngân hàng thương mại được lựa chọn và tiếp cận được nguồn tiền gửi này; lãi suất hình thành và biến động qua các cuộc đấu thầu như thế nào…

Tuy nhiên, thực tế thống kê cho thấy lượng tiền gửi của KBNN hiện chỉ còn chảy về 4 ông lớn ngân hàng thương mại nhà nước, còn những ngân hàng thương mại cổ phần quen thuộc vẫn được nhận một lượng tiền gửi từ KBNN khoảng 2.000 tỷ/ngân hàng/năm như MBBank, HDBank hay LienVietPostBank thì đến cuối năm 2019 đã không còn thấy nhận được tiền gửi từ KBNN nữa.

Lượng tiền gửi từ KBNN tại các ngân hàng thương mại trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục sụt giảm do sự quyết liệt trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công khiến KBNN rút mạnh tiền gửi tại các ngân hàng.

Nguồn tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng thương mại vẫn được coi là một nguồn vốn giá rẻ, giúp giảm chi phí huy động vốn và từ đó tăng lợi nhuận biên của các ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng thương mại rất "thèm khát" nguồn vốn này. 

Nguồn NDT

0 comments:

Đăng nhận xét