Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5, một loạt ngân hàng trung ương (NHTƯ) đã giảm mạnh lãi suất để giúp nền kinh tế chống chọi với đại dịch Covid-19, vốn đang càn quét mọi nơi và gây ra những thiệt hại nặng nề.
Nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại, tuy nhiên việc kinh doanh, sản xuất vẫn chưa thể phục hồi mức cũ. Doanh nghiệp vẫn còn e ngại đầu tư, mở rộng hoạt động khi những rủi ro kinh tế quá lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp cần phải được giải cứu, trợ giúp để vượt qua khó khăn và tồn tại trước khi nghĩ đến tăng tốc. Trong bối cảnh ấy, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với mạnh tay cắt giảm lãi suất được cho là giải pháp cần thiết của các NHTƯ hiện nay.
Tại châu Á, NHTƯ Malaysia ngày 5/5/2020 đã quyết định hạ lãi suất chính sách qua đêm (OPR) thêm 0,5%, xuống còn 2%, đánh dấu lần cắt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2009 đến nay. Đây cũng là lần cắt giảm thứ ba trong năm nay của nước này, theo sau hai đợt cắt giảm vào tháng 1 và tháng 3, với tổng mức giảm cả ba lần là 1%. Ba ngày sau, Sri Lanka quyết định giảm cả lãi suất tiền gửi và cho vay thêm 0,5%, xuống tương ứng 5,5% và 6,5%, là lần giảm thứ tư kể từ đầu năm đến nay.
Ngày 12/5/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm một loạt lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích, đánh dấu lần giảm thứ hai trong năm nay. Đến ngày 15/5/2020, Pakistan giảm 1% lãi suất chính, xuống còn 8%, đánh dấu lần giảm thứ tư với tổng mức giảm lên đến 5,25% kể từ đầu năm đến nay.
Ở châu Âu, NHTƯ Na Uy ngày 7/5/2020 giảm lãi suất chuẩn thêm 0,25%, xuống mức 0%, đánh dấu lần giảm thứ ba trong năm nay với tổng mức giảm lên đến 1,5%. Cùng ngày, NHTƯ Czech quyết định giảm 0,75% lãi suất kỳ hạn hai tuần xuống còn 0,25%, cũng là lần giảm thứ ba trong năm với tổng mức giảm là 2%.
Bên kia đại dương, Mexico trong ngày 14/4/2020 giảm 0,5% lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng, xuống còn 5,5%. Đây là lần giảm thứ tư trong năm nay theo sau các đợt giảm vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4, với tổng mức giảm 1,75%. Còn nếu tính từ tháng 8/2019, NHTƯ Mexico đã có đến 8 lần giảm với tổng giá trị giảm là 2,75%. Về phía Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) sau khi cắt giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục 0-0,25% vào tháng 3, gần đây đã tăng cường mua trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ cho thị trường.
Trong cuộc họp ngày 13/5/2020 của NHTƯ New Zealand, dù vẫn giữ lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục 0,25%, nhưng các quan chức cho biết lãi suất âm có thể là một lựa chọn trong tương lai, đồng thời tuyên bố tăng gấp đôi quy mô của chương trình mua trái phiếu chính phủ như là giải pháp kích thích cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, cải thiện tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.
Lục địa đen cũng chứng kiến Tanzania giảm mạnh 2% lãi suất chiết khấu trong từ ngày 8/5/2020, xuống còn 5%, nhằm cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho các ngân hàng trong hệ thống, đồng thời tỏ dấu hiệu sẽ giảm lãi suất cho vay. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại nước này sẽ giảm 1% xuống còn 6% kể từ ngày 8/6/2020 tới, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ cũng giảm từ 10% xuống 5% và tín phiếu kho bạc giảm mạnh từ 40% xuống còn 20% tính đến ngày 12/5/2020.
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét