30 thg 5, 2020

Lãnh đạo SCB nêu lý do chưa chia cổ tức

Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vừa được tổ chức sáng nay 29-5 lại dấy cuộc tranh luận về việc chia cổ tức.

Một cổ đông từng làm việc tại SCB cho biết, suốt 8 năm qua, rất nhiều lần ban giám đốc cam kết sẽ chia cổ tức nhưng đến thời điểm tổ chức hội nghị cổ đông lần này, vấn đề này vẫn không được đưa vào nghị quyết. 

"Ở cái tuổi đã 81, tôi khó có thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Tôi nghĩ nếu ngân hàng chỉ cần trích 1-2% trên vốn điều lệ thì đâu đó vào khoảng hơn 150 tỉ đồng. Số tiền này cũng làm hài lòng nhiều cổ đông nhỏ lẻ", vị cổ đông này đề nghị.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB giải bày rằng rất hiểu sự mong đợi cổ tức từ phía các cổ đông. Ban lãnh đạo cũng rất băn khoăn, trăn trở việc nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông. 

Thực tế, không phải là ngân hàng không có tiền, mà thậm chí còn có đến 1.234 tỉ đồng lợi nhuận giữ lại có thể chia cổ tức. Tuy nhiên, theo ông Văn, số tiền này cũng không mất đi đâu vì được ngân hàng đầu tư vào các tài sản dưới dạng bất động sản và đang tăng giá trị. Bây giờ giả định chia cổ tức bằng cách bán hết các tài sản này, thì "ăn một lần rồi cũng hết".

Ông Văn cho biết, hai tháng qua khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến khó khăn không thể tả xiết. Nhưng điều đó vẫn chưa kết thúc mà sẽ tiếp diễn trong suốt năm 2020, một năm kinh doanh không hề đơn giản với nhiều ngân hàng trong đó có SCB. Sự khó khăn này sẽ phản ánh hết vào các chỉ tiêu tài chính sẽ được công bố cuối năm 2020.

Hiện SCB đã kiểm soát chất lượng tín dụng, đẩy mạnh thu hồi đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu ở mức thấp, lần lượt là 0,9% và 0,49%. Trong năm 2020, SCB dự kiến sẽ tăng 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ, nâng mức vốn điều lệ sau khi tăng thêm là 20.232 tỉ đồng.

"Hiện SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC, song đã trích dự phòng lên đến con số trên 10.000 tỉ đồng và vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng sau khi kết thúc quá trình tái cấu trúc, xử lý hết nợ xấu. Tài sản đảm bảo nợ xấu của SCB hầu hết là bất động sản, và với bối cảnh COVID-19 đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế, chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu nên việc xử ký nợ xấu sẽ tốt hơn", ông Văn cho biết.

Báo PLO

0 comments:

Đăng nhận xét