Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019, theo đó Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí đầu bảng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân 3 năm liên tiếp. Tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Bắc Ninh đã có sự tiến bộ vượt bậc. Tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Hải Phòng đã có những nỗ lực đáng trân trọng để góp mặt trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu.
"Và chúc mừng tất cả các địa phương khác đều đã cố gắng vượt lên chính mình trên hành trình cải cách, góp những sắc mầu tươi sáng hơn cho môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam", ông nói.
Ông Lộc cho biết kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn.
Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80 % doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy.
"Ở thời điểm giữa năm 2019, khi chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đó là những con số của niềm tin!", ông nói.
Theo ông, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59 % doanh nghiệp có công trình xây dựng trong hai năm qua cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về khách hàng – khó khăn lớn nhất trên thương trường.
"Suy ngẫm về con số này, tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu", ông nói.
Tương tự như vậy, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… theo phản ánh của doanh nghiệp cũng đang còn những dư địa lớn. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao.
Trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét