Trong thời điểm dịch COVID-19, nhiều người dân đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt để tránh tiếp xúc, đề phòng lây nhiễm virus SARS–CoV-2. Tuy nhiên, trong gần một tháng trở lại đây, các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo mới với đích ngắm của tội phạm mạng vào người cao tuổi.
Ngân hàng Standard Chartered cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo người cao tuổi.
Mới đây, ngân hàng Standard Chartered đã gửi thư điện tử (email) cảnh báo đến khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo mới với nhiều hình thức ngày càng tinh vi, thậm chí các tội phạm mạng còn dùng chiến thuật tâm lý để lừa đảo, trong đó tập trung vào người cao tuổi.
Cụ thể, tội phạm mạng đã mạo danh một người thân trong gia đình đang gặp khó khăn để yêu cầu chuyển tiền; hoặc tự xưng là thợ sửa chữa để có quyền vào nhà với ý định trộm cắp. Hai là, chúng có thể đóng giả là nhà tư vấn tài chính và khuyến khích khách hàng đầu tư vào công ty giả hoặc gửi tiền vào các ngân hàng nước ngoài để có lợi nhuận cao.
Ba là, tội phạm mạng có thể lừa đảo bằng email hoặc cuộc gọi thông báo người nhận vừa trúng xổ số và nhận thưởng, tuy nhiên người nhận phải trả bằng một khoản phí. Bốn là, những kẻ lừa đảo lấy quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc các quỹ bằng việc tạo lòng tin qua mạng xã hội.
Vietinbank cũng đưa ra các hình thức lừa đảo tập trung vào nội dung dịch COVID-19.
Trước đó trong tháng 4, Vietcombank và Vietinbank cũng đã phát đi cảnh báo khách hàng cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin qua email, tin nhắn, gọi điện thoại, tin nhắn mạng xã hội. Đáng chú ý, nội dung lừa đảo đều liên quan đến dịch COVID-19.
Theo đó, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng tội phạm có hành vi giả mạo các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh (Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Quốc gia, Bộ Y tế...) gửi thư điện tử hay tin nhắn SMS, tin nhắn qua mạng xã hội, có chủ đề liên quan đến COVID-19 như “Cập nhật thông tin về COVID-19,” “Bán bộ Kit test nhanh COVID-19”, “Khai báo y tế liên quan đến COVID-19” hoặc “Những lời khuyên để giữ bảo vệ bản thân an toàn khỏi COVID-19”, “Quy trình phát hiện COVID-19”, “Thời gian ủ bệnh”… đính kèm tệp tin chứa virus, mã độc hoặc đường link dẫn tới địa chỉ website hoặc ứng dụng có lưu trữ các tệp tin chứa virus, mã độc.
Vietcombank đưa ra các khuyến cáo nên thận trọng khi giao dịch.
Khi người nhận email mở tệp tin hoặc truy cập vào đường link hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus, mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của người nhận email, đồng thời đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng các website quyên góp từ thiện liên quan đến dịch COVID-19 để cài mã độc lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng Agribank cũng khuyến cáo khách hàng lưu ý khi giao dịch thanh toán điện tử dưới mọi hình thức do bọn tội phạm công nghệ cao liên tiếp dùng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Từ giả mạo thương hiệu, người thân, cán bộ ngân hàng, nhân viên bưu điện, cơ quan thực thi pháp luật… đến thiết lập những website, ví điện tử, tài khoản ứng dụng công nghệ cao.
Thậm chí, kẻ gian đã dựng lên nhiều kịch bản để lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản, tiền bạc của khách hàng. Không chỉ thông qua trang website giả mạo thương hiệu ngân hàng, kẻ gian còn tạo lập giả mạo các trang website nhận tiền kiều hối Western Union (WU), giả vờ đã chuyển tiền mua bán hàng hóa từ nước ngoài về qua dịch vụ WU, hướng khách hàng quy đổi ngoại tệ qua website giả mạo, lừa gạt lấy tiền của người bán hàng online.
Theo Agribank, có 5 hình thức lừa đảo chính. Một là, giả mạo thương hiệu, website ngân hàng, ví điện tử gửi tin nhắn, email có chứa link lừa đảo yêu cầu khách hàng truy cập để giao dịch, nhập các thông tin cá nhân để xác nhận thanh toán hàng hoá (mua bán online), nhận tiền từ nước ngoài (Western Union), nhận quà tặng, cho vay nhanh...
Hai là, giả mạo cán bộ ngân hàng, tổng đài chăm sóc khách hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ... để nhận tiền, nhận quà trúng thưởng. Ba là, giả mạo cơ quan chức năng (Toà án, Công an...) gọi điện đe doạ khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm và yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản gian lận để phục vụ điều tra vụ án.
Bốn là, giả mạo người thân bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền, thanh toán chuyển khoản đến tài khoản gian lận do bị hack Facebook, Messenger, Zalo... Cuối cùng, giả mạo tài khoản, làm quen nhờ mở tài khoản/thẻ/đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc mua lại với giá cao để sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Vietinbank đưa ra các link email giả mạo lừa đảo lấy cắp thông tin khách hàng.
Để tránh bị mất tiền “oan”, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin và lưu ý tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ các thông tin bảo mật liên quan đến mã tài khoản, mật khẩu đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, số CVV thẻ, mã OTP… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các đường link giả mạo, email, điện thoại, tin nhắn…
Ngoài ra, không cho mượn/thuê hoặc mua bán thông tin cá nhân/số tài khoản có đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử để sử dụng vào mục đích lừa đảo. Không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi vấn. Khi bạn gặp các nghi vấn trên, khách hàng cần gọi ngay số hotline của ngân hàng mình đang sử dụng để được hỗ trợ.
Song song đó, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra khuyến cáo khách hàng nên cài đặt smart OTP riêng để tránh bị đánh cắp thông tin và tăng thêm bảo mật xác nhận tài khoản khi giao dịch online.
Nguồn Báo Tin Tức
0 comments:
Đăng nhận xét