19 thg 5, 2020

Phụ nữ Nhật muốn ly hôn vì chồng lười việc nhà

Cùng với Covid-19, hashtag "#Coronarikon" (ly hôn vì corona) xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội ở Nhật Bản, để bày tỏ sự thất vọng về bạn đời.

Người Tokyo đã đi qua hơn một tháng "ở nhà cách ly", nhưng đối với nhiều cặp vợ chồng, sự thất vọng đã lên đỉnh điểm. Một số bà vợ cho biết đó là một quãng thời gian căng thẳng. Cùng với nỗi sợ bệnh tật là việc mọi hoạt động bị hạn chế, không một ai biết giai đoạn này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhiều người mất việc làm, mất thu nhập, trong khi nhiều người có nỗi sợ hãi rằng điều đó sẽ xảy ra với họ.

Trẻ em ở nhà cả ngày. Phải giữ khoảng cách với phần còn lại của xã hội, họ "mắc kẹt" với gia đình 24/7. Trong môi trường hệt như một chiếc nồi áp suất này, rất dễ để tức giận với những người gần gũi nhất.

Sự thất vọng với các ông chồng bị đẩy lên đỉnh điểm trong thời gian phải ở nhà, thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: SavvyTokyo.

Một phụ nữ với tài khoản "Meneki wo ageru" viết về chồng mình: "Anh tỉnh dậy, ăn trưa, chơi với con một chút xíu, rồi lại vào giường ngủ. Anh thức trắng đêm để xem YouTube, rồi đi ngủ khi bọn trẻ thức dậy".

Ngay cả trong các hộ gia đình không có con, những người vợ đảm nhiệm công việc nhà để chồng cống hiến hết mình cho công việc cũng sớm nhận ra rằng trong khi họ là người lao động bận rộn nhất trong nhà, chẳng ai quan tâm đến điều đó.

Sử dụng tài khoản Twitter mang tên "Hãy coi những thứ ngu ngốc gã chồng của tôi làm", một phụ nữ viết: "Chống tôi đang trong kỳ nghỉ dưới danh nghĩa "làm việc từ xa", trong khi tôi tiếp tục đi làm 6 ngày một tuần. Khi tôi về nhà, bữa tối vẫn chưa được làm, còn anh ta đang uống rượu say, và giờ đã đi ngủ rồi".

Cũng như tại các quốc gia khác, bạo lực gia đình gia tăng trong giai đoạn phong tỏa. Một tổ chức hỗ trợ nạn nhân và điều tra bạo lực gia đình có trụ sở tại Tokyo, A+, đã nói với NHK rằng số vụ gia tăng từ hồi tháng 3. Nhiều trường hợp thể hiện rõ sự liên quan đến nỗi lo về tiền bạc cũng như sự căng thẳng của làm việc ở nhà - thường là ở bàn ăn, vây quanh là gia đình, những đứa trẻ ồn ào.

Một phụ nữ 26 tuổi nói với chuyên trang cho phái nữ Lip Pop về sự căng thẳng mà cô cảm thấy khi chồng làm việc ở nhà: "Từ trước đến giờ, thời gian chồng ra khỏi nhà là thời gian tôi thoải mái chăm lo cho mình, tôi có thể ăn, làm bất cứ việc gì tôi thích. Giờ đây khi ở nhà, anh ta không giúp đỡ tôi, và sự căng thẳng đã tăng lên, tôi bắt đầu nghĩ đến việc ly hôn. Gánh nặng lớn nhất chính là phải phải chú ý đến nhu cầu của người khác, ngay cả khi tôi ở nhà".

Bên cạnh sự căng thẳng vì không có thời gian cho chính mình, những vấn đề của phụ nữ dường như phản ánh vai trò truyền thống của những người vợ Nhật, khi phải phục vụ cho chồng trong mọi nhu cầu của đời sống. 

Tài khoản Rintama viết trên Twitter: "Tôi đeo khẩu trang, nhưng chồng tôi thì không. Anh ấy nói mình không mắc virus nên không có lý do gì phải đeo nó. Tôi đang cân nhắc một cách nghiêm túc về corona-rikon (ly dị do corona). Corona không phải là nguyên nhân duy nhất. Có những thứ mà giờ đây tôi có thể thấy rất rõ, nhờ đại dịch này. Tôi có thể thấy những thứ mà tôi đã giả vờ như không thấy suốt thời gian qua".

Ngày 29/4, tạp chí Lip Pop đã công bố kết quả của một khảo sát trực tuyến về ly hôn liên quan đến virus corona. Trong số 100 người được hỏi, 38% cho biết họ đang cân nhắc về ly hôn do các vấn đề liên quan đến Covid-19. Trong số những người được hỏi, 82% là nữ giới.

Một phụ nữ 41 tuổi nói rằng virus là chất xúc tác khiến cho cô cân nhắc đến việc ly hôn: "Mặc dù chúng ta phải kiềm chế bản thân vì corona, tôi vẫn chứng kiến chồng đến tiệm game hay đi chơi với bạn bè. Tôi nhận ra giá trị của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Tôi đã rất thất vọng bởi vì tôi vô cùng thận trọng khi ra ngoài. Chồng có thể lây bệnh cho các con. Nếu anh ta không thể nghĩ đến lợi ích của các con, thì tôi không muốn anh ấy là cha của chúng. Do sự lây lan của corona, tôi đã nhìn nhận ra bản chất thực sự của chồng".

Quốc gia đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa là Trung Quốc. Tại nước này, lượng hồ sơ ly hôn đã tăng lên khi phong tỏa kết thúc. Các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn ở Thượng Hải phải chờ đến một tháng để nhận được lịch hẹn, điều mà thông thường chỉ khiến họ mất khoảng một tuần. Khi lệnh phong tỏa diễn ra ở các quốc gia khác, những dự đoán rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra trên toàn thế giới dường như đã là sự thật. Luật sư ở nhiều quốc gia khác nhau cho biết họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các cặp đôi tìm cách ly hôn ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Dù vậy, một chút nỗ lực có thể mang lại nhiều tác dụng trong việc bảo vệ các mối quan hệ từ nỗi căng thẳng mang tên Covid-19. Tiến sĩ David Cates, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nói với Newsweek: "Để đi qua giai đoạn cách ly và phát triển mối quan hệ, các cặp đôi nên tìm kiếm cơ hội để thể hiện sự quan tâm, bày tỏ tình cảm, thể hiện sự đồng cảm, tìm ra các thỏa thuận. Và họ cần phải làm tát cả những điều đó trong giai đoạn xung đột.

Cates cũng khuyến khích các cặp vợ chồng giảm căng thẳng cá nhân để cải thiện mối quan hệ, thông qua việc hạn chế tiếp nhận quá nhiều tin tức, ăn uống lành mạnh, ngủ ngon, tập thể dục. Ngoài ra, cũng nên tìm một nơi an toàn để trút bỏ những nỗi căng thẳng trong lòng bạn.

Theo Savvy Tokyo

0 comments:

Đăng nhận xét