9 thg 5, 2020

Sau một ngày ngủ nướng quá nửa buổi sáng, tôi đã hiểu ra: Thúc ép bản thân nhập cuộc đua dậy sớm không giúp bạn thành công, bí quyết là lắng nghe cơ thể để công việc năng suất gấp 10 lần

Chúng ta không cần phải thúc ép bản thân dậy sớm chỉ vì người khác làm thế. Mỗi người có một đồng hồ sinh học khác nhau, và điều chúng ta cần làm là lắng nghe những gì cơ thể muốn.

Có rất nhiều bài viết trích dẫn thói quen dậy sớm của những tỷ phú và lập luận rằng thức dậy sớm là yếu tố tiên quyết để dẫn tới con đường thành công. Điều này có thực sự đúng? Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Tom Kuegler, một blogger nổi tiếng về quan niệm này:

Tối hôm trước tôi đã đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng. Tôi với lấy chiếc điện thoại, mở ứng dụng đồng hồ, và rồi bất chợt dừng lại tự nói với bản thân rằng: “Tom, không cần phải đặt báo thức nữa đâu”. Sau đó tôi đã đi ngủ. Tôi đã không đếm số giờ mình có thể ngủ và cũng không nghĩ về công việc ngày mai sẽ mệt mỏi như thế nào. Tôi để cho mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Kết quả là sáng hôm sau tôi thức dậy với tâm trạng vô cùng thoải mái và tràn đầy năng lượng.

Tôi cảm thấy ít mệt mỏi hơn trong suốt cả ngày
Thông thường khi thức dậy vào lúc 8 giờ sáng, tôi luôn có cảm giác mệt mỏi suốt cả ngày. Tôi bắt đầu ngày mới bằng việc uống một cốc cà phê và cảm thấy tràn đầy năng lượng trong khoảng 30 phút. Sau đó tôi lại rơi vào cảm giác uể oải.

Có những ngày tôi không thể nào ngăn đôi mắt nhắm chặt vì thiếu ngủ và điều đó ảnh hưởng tới bất cứ việc gì tôi làm. Tôi luôn làm việc với cảm giác đang mang theo một bao tải nặng 100 tấn trên lưng và đi trên sa mạc. Điều đó khiến tôi không muốn làm bất cứ việc gì. Tôi chỉ quanh quẩn với vài công việc vặt, và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Thế nhưng khi không thúc ép bản thân phải dậy sớm, tôi cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng. Tôi tập trung hơn vào công việc mà không cần dùng tới một giọt cà phê nào. Và ngày làm việc của tôi trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết mặc dù tôi bắt đầu làm việc lúc 11 giờ sáng.

Rõ ràng, việc lắng nghe những điều cơ thể cần khiến bạn đạt được trạng thái là việc tốt nhất. Có nhiều lúc tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông báo thức khi đang ở trong một giấc mơ dài. Điều đó khiến ngày làm việc mới của tôi trở nên uể oải, kém chất lượng vì cơ thể đột ngột bị đánh thức và chưa được ngủ đủ giấc.

Tôi đã từng cài đặt một ứng dụng để theo dõi chất lượng giấc ngủ của mình và đặt báo thức vào khoảng thời gian tôi không trong một giấc ngủ say. Kết quả là tôi cảm thấy bớt mệt mỏi khi thức dậy hơn rất nhiều. Không có báo thức làm gián đoạn giấc ngủ tự nhiên khiến chúng ta có một giấc ngủ chất lượng và do đó mang lại cảm giác thoải mái sau khi thức giấc.

Đừng bị ám ảnh về việc dậy sớm, hãy lắng nghe những gì cơ thể cần
Có một câu nói nổi tiếng của Ben Franklin rằng: “Đi ngủ sớm và thức dậy sớm làm cho con người khỏe mạnh, giàu có và thông minh”. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với Ben về câu nói trên. Tất nhiên việc thức dậy sớm là rất tốt và tôi không phủ nhận nó. Thế nhưng, bạn cũng cần phải lắng nghe cơ thể mình. Đừng ép buộc bản thân làm những việc mà mình không muốn làm cũng như không phù hợp.

Tôi đã từng nghĩ về bản thân như một người thất bại chỉ vì tôi không thể thức dậy trước 10 giờ sáng mặc dù tôi luôn cố gắng làm việc đủ 8 tiếng mỗi ngày. Tôi đã tự dằn vặt bản thân và đặt áp lực về việc phải dậy sớm. Thế nhưng kết quả là tôi càng trở nên mệt mỏi và luôn bực bội với chính mình.

Điều này khiến tôi tự đặt câu hỏi rằng tại sao tôi lại quá quan tâm về việc thức dậy muộn đến thế trong khi tôi vẫn làm việc đủ số giờ mỗi ngày? Có vẻ như chúng ta đã quá lo lắng về việc thức dậy muộn nhưng thực tế là nếu chúng ta vẫn có thể hoàn thành mọi công việc thì điều đó không còn quá quan trọng.

Tôi không cần phải dậy sớm trong những ngày ở nhà tự cách ly vì dịch bệnh. Tôi không phải làm việc, không có quản lý giám sát, cũng không có việc phải tăng ca vào đêm muộn. Tôi không còn ở trong trạng thái luôn gấp rút về thời gian nữa. Đây thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời để tái tạo năng lượng cho cơ thể. Tôi đã suy nghĩ về cách chúng ta đã ngủ như thế nào và tôi rút ra bài học rằng không có quy tắc nào cho việc thức dậy sớm.

Lời khuyên là hãy lắng nghe cơ thể của chính mình nhiều hơn. Tôi đã tin tưởng vào cơ thể của mình. Và khi tôi đã thực hiện bước nhảy vọt đó, tôi nhận ra rằng một áp lực khổng lồ đã được nhấc khỏi vai tôi.

Chúng ta không cần phải thúc ép bản thân dậy sớm chỉ vì người khác làm thế. Mỗi người có một đồng hồ sinh học khác nhau, và điều chúng ta cần làm là lắng nghe những gì cơ thể muốn. Có những thời điểm cụ thể trong ngày mà cơ thể bạn làm việc tốt nhất, đó là khi bạn bước vào trạng thái dòng chảy.

Một số người đã quen với việc dậy sớm, và họ cảm thấy cơ thể làm việc năng suất nhất vào buổi sáng. Nhưng cũng có những người tìm thấy động lực làm việc vào khoảng thời gian buổi tối. Bởi vậy, đừng trở thành con người quá nguyên tắc về việc phải dậy sớm để thành công, miễn là bạn lắng nghe cơ thể mình, tìm khoảng thời gian cơ thể làm việc hiệu quả thì bạn sẽ bước vào trạng thái dòng chảy và hoàn thành khối lượng công việc gấp 10 lần một người bình thường.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét