Bà Lynette Moey Yu Lin, Tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam, vừa bị xử phạt về việc gửi tài liệu về COVID-19 đính kèm bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp đến các nhân viên.
Chiều 15-5, Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM đã làm việc với bà Lynette Moey Yu Lin (Malaysia gốc Trung Quốc), Tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam. Buổi làm việc xung quanh việc bà Lynette cung cấp thông tin hình ảnh vi phạm về chủ quyền quốc gia.
Bà Lynette thừa nhận đã gửi tệp tin (dung lượng 19 MB) về phòng, chống đại dịch COVID-19 cho chín người để biết về phương thức ứng phó dịch. Trong đó có một trang có chứa hình ảnh bản đồ không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia Việt Nam. Hiện tại, bà Lynette đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật thu hồi thư điện tử nêu trên.
Thanh tra sở đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lynette theo điểm b khoản 7 Điều 102 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020).
Cụ thể, bà Lynette sẽ bị phạt tiền từ 25-35 triệu đồng về việc sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ được ban hành sau bảy ngày.
Trước đó, ngày 27-4, bà Lynette trong vai trò tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam đã chia sẻ một tập tài liệu từ thư điện tử (email) của bà đến email nhân viên của công ty với tiêu đề: “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc - Chia sẻ bởi Michelle Han”.
Theo quy trình làm việc tại Bayer Việt Nam, những tài liệu bắt nguồn từ tổng giám đốc sẽ được chuyển tiếp cho quản lý bộ phận, sau đó mới chuyển đến cho các nhân viên trong công ty.
Trong tập tài liệu “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc - Chia sẻ bởi Michelle Han” đã có đính kèm hình bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc đang nỗ lực tuyên truyền để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông.
“Đường lưỡi bò" hay “đường chín đoạn” là một dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 5-2008, Trung Quốc đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc tấm bản đồ “đường chín đoạn”. Trong đó Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.
Nguồn PLO
0 comments:
Đăng nhận xét