Khi mạng xã hội ồn ào vụ một tiến sĩ tâm lý dùng bằng giả, không có chuyên môn nhưng mở hàng loạt lớp học các kỹ năng mềm, bạn tôi vỡ lẽ nhưng cũng đã mất ngót nghét 10 triệu đồng khi tham gia hai khóa học từ cô tiến sĩ tâm lý này.
Chuyện tình cảm không suôn sẻ, công việc không thuận lợi… khiến bạn tôi mất nhiều tháng trong trạng thái buồn chán. Cô bạn bắt đầu đọc những trang chia sẻ tâm sự trên mạng xã hội từ nữ tiến sĩ tâm lý kia, những clip chia sẻ về chuyện tình cảm được fanpage này liên tục cập nhật càng khiến bạn tôi thu hút. Khi có thông tin về khóa học, cô bạn nhanh chóng đăng ký và tham gia liên tục hai khóa. Tâm trạng có khá hơn, nhưng có thêm kỹ năng mềm gì khác hay không thì tôi cũng không rõ, vì mọi thứ cũng như một cam kết miệng không cụ thể. Nào là sau khóa học giúp bạn tự tin, biết mình là ai và muốn gì trong cuộc sống; nào là chinh phục được điều mình muốn, quyến rũ hơn trong giao tiếp…
Đội ngũ làm truyền thông khá tốt trong việc chăm sóc và tương tác trên mạng xã hội, thu hút một lượng lớn người theo dõi, hơn 637.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, vì thế mỗi lớp kỹ năng do cô tiến sĩ tâm lý này tổ chức luôn được đông đảo bạn trẻ đăng ký. Mỗi khóa học ngốn hết 5 triệu đồng nhưng không chỉ có bạn tôi mà nhiều bạn trẻ khác cũng thi nhau đăng ký. Theo lời bạn tôi kể, đa phần lớp học là nữ, không có tài liệu hay giáo trình gì đặc biệt, chủ yếu là nghe cô tiến sĩ tâm lý kia chia sẻ và thực hành một số cách để tự tin khi giao tiếp, đứng trước đám đông.
Khi nhiều tài khoản mạng xã hội khác chia sẻ thông tin về nghi vấn bằng cấp của cô tiến sĩ tâm lý này, không ít bình luận vỡ lẽ của nhiều bạn trẻ phía dưới các bài viết. Có lẽ không chỉ cô bạn tôi, mà không ít bạn trẻ khác, trong những phút yếu đuối của cảm xúc đã bị dẫn dắt đến chỗ đặt nhầm niềm tin, thậm chí là mất tiền triệu tham gia khóa học.
Ngoài những khóa học tâm lý, những lớp học làm giàu, đánh thức sức mạnh của bản thân cũng được nhiều bạn trẻ hiện nay quan tâm. Bằng những chiêu thức quảng cáo liên tục và chăm sóc khách hàng rất tận tình, như quảng cáo trên mạng xã hội, website, gửi email cá nhân… Lịch trình chi tiết các lớp học được thể hiện rõ ràng, nhân viên chăm sóc khách hàng gọi điện thoại tư vấn và hỗ trợ ghi danh cho những ai có nhu cầu.
Đặc biệt, để tăng tương tác và thu hút, những bài viết giới thiệu lớp học trên mạng xã hội được đề tên rất kiêu như: “Lớp học triệu phú”, “Thông tin tỷ đô”, “Chỉ dành cho những ai có ý chí và muốn làm giàu”, “Bạn có muốn giàu có và thành công hơn”… Mỗi bài viết luôn đính kèm hình ảnh hoặc video của các bạn nữ với gương mặt xinh xắn, check-in ở những địa điểm sang trọng như du thuyền, nhà hàng 5 sao, xe hơi… với những nickname thể hiện ngay sự giàu có như “Cô chủ triệu đô”, “Cô gái thành đạt”, “Người đẹp đôla”…
Những bài viết này nhanh chóng thu hút nhiều lượt like và chia sẻ từ các bạn trẻ, nhất là cánh sinh viên hoặc những ai đang trong giai đoạn lập nghiệp. Hiệu quả tới đâu, giàu có tới cỡ nào thì chưa rõ, nhưng việc đầu tiên là mất từ vài triệu đến gần chục triệu đồng cho các lớp học làm giàu này như thế này. Người học nhận được vài quyển sách hoặc giáo trình từ người dạy được giới thiệu là các CEO đang thành công nhất hiện nay, trong các lĩnh vực như đầu tư bất động sản hoặc tiền ảo.
Nguồn SGGP
0 comments:
Đăng nhận xét