Sáng ngày 17/6, với 438/457 đại biểu tán thành thông qua, tương đương tỷ lệ 90,68%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm các doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Nội dung luật cũng quy định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua đã chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, để xây dựng một luật riêng cho đối tượng này.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý khác trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể là các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước…
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với 10 chương và 219 điều đã quy định cụ thể việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh...
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam
0 comments:
Đăng nhận xét