Trung Quốc cho rằng Mỹ triển khai khoảng 375.000 quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để duy trì "cạnh tranh siêu cường" với nước này.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời quân cảng trên đảo Guam để ra Biển Philippines làm nhiệm vụ, ngày 20/5. Ảnh: US Navy.
Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc ngày 23/6 sẽ công bố báo cáo về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, nêu chi tiết về chính sách an ninh, hiện diện và triển khai quân sự, cũng như các hoạt động quân sự gần đây và quan hệ an ninh trong khu vực.
Theo một phần báo cáo được tờ Global Times đăng hôm 21/6, Trung Quốc chỉ ra Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hiện chỉ huy 375.000 binh sĩ, biên chế 60% chiến hạm của toàn bộ lực lượng hải quân, 55% quân số lục quân và 2/3 quân số thủy quân lục chiến.
Ngoài ra, với 85.000 binh sĩ triển khai tiền phương cùng một lượng lớn vũ khí mới và công nghệ cao, Mỹ đang duy trì ưu thế tuyệt đối trong khu vực trong nhiều năm qua, đồng thời tìm cách triển khai thêm lực lượng, nguồn lực và ngân sách nhằm đối phó với các hành động quân sự của Nga và Trung Quốc.
Báo cáo tập trung vào nguy cơ Mỹ chuyển sang "cạnh tranh giữa các siêu cường" kiểu Chiến tranh Lạnh trong quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ bắt đầu đưa ra khái niệm "cạnh tranh giữa các siêu cường" trong chiến lược an ninh quốc gia ngay từ khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống đầu năm 2017.
Mỹ xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm 2018 nhằm "bảo vệ ưu thế tuyệt đối trong các vấn đề toàn cầu và khu vực", gồm an ninh, chính trị và kinh tế.
Báo cáo nhận định Mỹ trong năm nay thực hiện hàng loạt biện pháp kiềm chế Trung Quốc, liên quan đến đại dịch Covid-19 cùng một loạt vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, công nghệ cao và quốc phòng. Các chiến hạm Mỹ nhiều lần tiếp cận các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VIệt Nam, đồng thời nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan. Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở Biển Philippines, tiếp giáp Biển Đông.
"Do quan hệ gần gũi giữa các các nước trong khu vực và vấn đề an ninh quốc gia, rõ ràng tình cảnh đối đầu và quan hệ quân sự ngày càng xấu đi giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ xung đột, thậm chí là một cuộc khủng hoảng trong quan hệ song phương", báo cáo viết.
Tàu đổ bộ tấn công USS America đi qua khu vực Biển Đông, ngày 18/4. Ảnh: US Navy.
Báo cáo này cũng coi đây là cái cớ để Trung Quốc "không còn cách nào khác ngoài việc tăng ngân sách quốc phòng" và mở rộng lực lượng quân sự.
Trong khi đó, các tướng lĩnh và chuyên gia Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang dùng Covid-19 làm vỏ bọc để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, tăng cường hoạt động hàng hải tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc gần đây thực hiện loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông, điều 4 tàu hải cảnh hoạt động 65 ngày liên tục nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Tiêm kích và oanh tạc cơ của Trung Quốc áp sát Đài Loan 6 lần trong tháng này, buộc hòn đảo điều chiến đấu cơ xua đuổi.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét