20 thg 6, 2020

Vietnam Airlines vùng vẫy thoát khó

Cũng như nhiều hãng hàng không trên thế giới, ngoài chủ động cắt giảm tối đa chi phí, Vietnam Airlines vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ các cổ đông lớn để vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.
Máy bay của Vietnam Airlines đỗ tại nhà ga của sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đức Thanh

Suy kiệt dòng tiền
“Điều chúng tôi cần nhất lúc này là một thông điệp chính thức từ Chính phủ trong vai trò là cổ đông chi phối về việc sớm có gói giải pháp hỗ trợ để các đối tác tin tưởng vào sự phục hồi sau dịch của Hãng hàng không quốc gia”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) cho biết.

Việc Chính phủ hỗ trợ Vietnam Airlines cũng chính là cách bảo vệ khoản đầu tư của mình khi đang nắm giữ hơn 86% vốn điều lệ tại đây.

Thừa nhận tình hình tài chính của Hãng đang rất khó khăn, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết, nếu không sớm nhận được sự hỗ trợ của các cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông chi phối, Hãng sẽ suy kiệt dòng tiền trong khoảng 2 -3 tháng tới.

Trong số 3 giải pháp hỗ trợ tài chính khẩn cấp mà Vietnam Airlines kiến nghị chủ sở hữu đang nắm 86,16% vốn điều lệ, thì đáng lưu ý là việc Hãng đề nghị được tiếp cận khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với thời gian vay tối thiểu là 3 năm. Khoản tín dụng này, theo Vietnam Airlines, là cần được bung trong vòng 1-2 tháng tới để kéo dài sức chịu đựng của Hãng cho đến khi thị trường hàng không phục hồi về mức trước tháng 12/2019.

Để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, Hãng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Dự kiến, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước, hoặc giao Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc 1 doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn trung, dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021 - 2025.

“Các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành. Do vậy, cần thiết phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của Covid-19”, ông Hiền nói.

Ngoài việc cắt giảm triệt để các chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương của người lao động, ngay khi Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc, Hãng đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước, qua đó đạt được những thỏa thuận rất tích cực. Cụ thể, Tổng công ty đã chủ động rà soát cắt giảm 4.346 tỷ đồng, trong đó, chi phí nhân công là 1.360 tỷ đồng (chủ yếu là tiền lương). Ngoài các nội dung rà soát cắt giảm chi phí, Hãng cũng đã đàm phán với các nhà cung cấp và đạt được mức giảm giá là 617 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giảm giá thuê tàu bay 530 tỷ đồng.

Đối với các khoản thuê tàu bay - một trong những khoản chi phí cố định nặng nhất, tính đến giữa tháng 6/2020, tổng số tiền giãn thanh toán được 81 triệu USD, trong đó 51 triệu USD không chịu lãi suất và 30 triệu USD chỉ phải chịu lãi với mức ưu đãi.

Thế nhưng, tất cả những biện pháp này cũng chỉ giúp Vietnam Airlines giảm bớt được một phần khó khăn. Theo dự báo, sản lượng hợp nhất toàn Tổng công ty sẽ giảm 48% so với năm 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/tháng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng.

“Cả đời làm tài chính hàng không, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến tác động tiêu cực nào lớn như Covid-19. Tất cả các hãng hàng không đều như bị mất máu đột ngột, vỡ động mạch chủ”, ông Hiền ví von.

Nhận định của Kế toán trưởng Vietnam Airlines được dựa trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như đánh giá của các tổ chức hàng không trên thế giới. Cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không thế giới sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, đến ngày 9/6, con số này đã lên tới 419 tỷ USD. Ngay cả khi nếu Covid-19 được khống chế vào quý III/2020, thì cũng phải đến cuối năm 2022, ngành hàng không mới có thể về lại trạng thái cuối tháng 12/2019. Các tổ chức quốc tế cho rằng, cần 250 tỷ USD hỗ trợ cho các hãng hàng không thế giới sống sót qua dịch bệnh.

“Hầu như không hãng nào còn tiền trên tài khoản do Covid-19 “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới, trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2020, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỷ đồng cho khách”, ông Hiền nói.

Các kịch bản phục hồi
So với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng, nhưng vẫn trụ được vì trước dịch, Hãng có tiềm lực tài chính lành mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2019, Hãng đang có 4.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản, nhưng cũng chỉ giúp Vietnam Airlines cầm cự đến tháng 9/2020.

Hiện nhiều nước đã triển khai giải pháp hỗ trợ cho các hãng bay, dưới hình thức bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay như Pháp, Hà Lan, Singapore. Chính phủ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi như Thái Lan để tái cấu trúc Thai Airways. Trợ cấp lương, bổ sung nguồn vốn, thuế nhiên liệu bay… với tổng giá trị hỗ trợ vào khoảng 123 tỷ USD. Trong đó, Singapore Airlines đã nhận được 13 tỷ USD; Lufthansa đã nhận 9,8 tỷ USD; All Nippon Airways nhận 10 tỷ USD; Cathay Pacific nhận 5 tỷ USD; Garuda nhận 1 tỷ USD; Malaysia Airways nhận 1,2 tỷ USD; Thái Airways nhận 1,8 tỷ USD.

Tại Việt Nam, các chính sách hỗ  trợ doanh nghiệp hàng không là không lớn, mới chớm được triển khai hoặc vẫn đang giai đoạn xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

“Các khoản hỗ trợ giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay, giảm phí cất hạ cánh cộng dồn cũng chỉ giúp Hãng đỡ được 400 - 500 tỷ đồng”, ông Hiền thông tin và cho biết thêm là dù khôi phục toàn bộ thị trường nội địa, có thêm dòng tiền, nhưng do đang giai đoạn kích cầu, các hãng đều không có lãi, không cải thiện đáng kể tình hình tài chính.

“Vietnam Airlines không kỳ vọng xin được từ ngân sách nhà nước, mà vay sẽ trả. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”, ông Hiền nhấn mạnh.

Hiện khó khăn lớn nhất đối với các hãng hàng không chính là nhu cầu đi lại của người dân chưa phục hồi như mong đợi. Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi có chỉ đạo bỏ giãn cách xã hội, các hãng hàng không đã nối lại hầu hết các đường bay  nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh đó, nhu cầu du lịch hè giảm mạnh do học sinh vẫn đi học, dự báo thị trường hàng không nội địa đến cuối năm 2020 vẫn chưa thể phục hồi.

Hiện các hãng hàng không liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu thị trường, nên giá bình quân thị trường tiếp tục giảm thêm khoảng 10% so với cùng kỳ 2019.

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới vẫn còn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi Mỹ và châu Âu chưa cho thấy dấu hiệu khống chế được dịch bệnh. Ngành hàng không thị trường quốc tế và nội địa lại có tính liên thông trực tiếp với nhau, hiện toàn bộ các đường bay quốc tế vẫn đang bị đóng băng, chưa thể định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình Covid-19 tại các điểm đến rất phức tạp. Từ nhiều năm nay, các đường bay quốc tế kết nối thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mang lại các khoản doanh thu, lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không Việt.

Đối với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đang xây dựng khai thác trên 3 kịch bản.

Theo đó, với kịch bản lạc quan (kịch bản 1), dịch bệnh kết thúc trong tháng 6 này và có thể bắt đầu khai thác lại quốc tế từ tháng 7; tổng thị trường cả năm 2020 ước đạt 14,41 triệu lượt khách, giảm 58,7% so với cùng kỳ.

Kịch bản thường (kịch bản 2), dự kiến dịch bệnh kết thúc vào tháng 8 và có thể bắt đầu khai thác lại quốc tế từ tháng 9; tổng thị trường cả năm 2020 ước đạt 7,69 triệu lượt khách, giảm 77,9% so với cùng kỳ.

Kịch bản thấp (kịch bản 3), dự kiến dịch bệnh kết thúc vào tháng 11 và có thể bắt đầu khai thác lại quốc tế từ tháng 12; tổng thị trường cả năm 2020 ước đạt 1,83 triệu lượt khách, giảm 94,8% so với cùng kỳ.

“Hiện con số lợi nhuận hợp nhất âm 15.000 tỷ đồng năm 2020 được xây dựng trên kịch bản lạc quan. Tình hình sẽ còn xấu hơn nhiều nếu việc kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu tiến triển chậm và gói hỗ trợ của cổ đông nhà nước mà Hãng kiến nghị không được triển khai sớm”, ông Hiền cho biết.

Nguồn Báo Đầu Tư

0 comments:

Đăng nhận xét