20 thg 7, 2020

Ai hưởng lợi khi TikTok thất thế

TikTok đã đánh mất thị trường Ấn Độ, sắp tới là Mỹ, thế lực được hưởng lợi - không ai khác - chính là Facebook.
TikTok đang là mạng xã hội được người dùng Mỹ đặc biệt yêu thích, nhưng đang đối mặt với nguy cơ bị Nhà trắng "cấm cửa". Ảnh: SCMP.
Đầu tháng 7, TikTok chính thức vào danh sách các ứng dụng bị cấm tại Ấn Độ. Tiếp đến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố có thể cấm TikTok. Một ngày sau, Tổng thống Trump một lần nữa xác nhận lại khả năng này. Nếu phải rời Ấn Độ, sau đó là Mỹ, TikTok đang đánh mất hai thị trường quan trọng nhất. Một là thị trường đông dân nhất thế giới, một là thị trường có nền kinh tế phát triển nhất.

Lúc này, người vui mừng nhất có thể là Mark Zuckerberg, CEO của Facebook. Trong hành trình vươn ra khỏi Đại lục, TikTok đang cho thấy mình là đối thủ đáng gờm nhất của Instagram. Những cáo buộc về vấn đề an ninh trong nhiều tháng qua không đủ để cản đường TikTok trở thành ứng dụng phổ biến nhất thế giới. Nhưng lệnh cấm của Ấn Độ và sắp tới có thể là Mỹ sẽ chặn đứng tham vọng của mạng xã hội này.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang có hai lựa chọn cho lần IPO: ở Mỹ hoặc Hong Kong. Trước đây, Zhang Yiming, người đứng đầu tập đoàn nói họ sẽ chọn Phố Wall nếu chính phủ Mỹ không chặn TikTok. Bây giờ, điều Zhang lo lắng đang thành hiện thực. TikTok hiện có gần 200 triệu lượt tải xuống tại Mỹ, điều đó có nghĩa một khi ByteDance lên sàn tại đây, Zhang Yiming có thể khiến "túi tiền" của Mark Zuckerberg bị đe doạ đáng kể. Mark đã thất bại trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng Zhang có thể đánh chiếm thị trường Mỹ.

Từ những năm 2010, Facebook nổi lên như một hiện tượng và có khả năng lật đổ sự thống trị của những ông lớn như Google, Amazon. Tuy nhiên, sự phát triển những năm sau đó của mạng xã hội này không được như mong đợi. Những năm gần đây, Facebook cũng phải đối mặt với nhiều bê bối liên quan đến vấn đề an ninh và chính trị.

Năm ngoái, khi cánh cổng tiến vào Trung Quốc gần như đóng lại với Facebook, Mark đã chĩa mũi dùi vào đội ngũ kiểm duyệt. Ông cho rằng việc kiểm duyệt nội dung quá nghiêm ngặt là mấu chốt chính của vấn đề. Thái độ này khác hẳn với phản ứng của Google khi rời khỏi Trung Quốc. Mặc dù cũng bị cáo buộc là "gián điệp", người đứng đầu Google chỉ tuyên bố ngắn ngọn "chúng tôi không làm gì cả". Còn Facebook thì ngược lại, sau khi tìm nhiều cách đổ lỗi cho các bộ phận có liên quan. Mùa xuân năm 2016, Mark một lần nữa cố gắng quay lại Trung Quốc. Lúc đó, CEO Facebook cố gắng xuất hiện với những hình ảnh thân thiện nhất. Ông đi giày thể thao, chạy bộ trước Quảng trường Thiên An Môn và không đeo khẩu trang. "Tôi trở lại Bắc Kinh một lần nữa, giống trở về một khu phố quen", Mark nói với truyền thông và thể hiện khát khao xâm nhập thị trường hơn một tỷ dân.

Zuckerberg nói việc chinh phục thị trường Trung Quốc cũng như khi anh lập trình: "Tôi viết một câu lệnh đúng và sẽ có kết quả đúng". Nhưng Mark quên rằng, thuật toán của Thung lũng Silicon khác với thuật toán của Bắc Kinh. Cho đến giờ, Facebook vẫn rất khó tiếp cận người dùng tại Trung Quốc.

Zhang Yiming nhiều hơn Mark Zuckerberg một tuổi và nổi tiếng sau Mark cả chục năm. Khi Facebook được thành lập vào năm 2004, Zhang Yiming vẫn học năm hai đại học. Bây giờ ở Đại lục, nhiều người thích gọi Zhang là "Mark Zuckerberg phiên bản Trung Quốc".

Hai người có nhiều điểm tương đồng thú vị. Họ cùng kiếm tiền bằng thuật toán và trở nên nổi tiếng bằng những thứ dễ gây nghiện. Mặc dù còn trẻ, cả hai đều cho thấy họ vô cùng nhạy bén với chính trị.

Cách đây không lâu, khi Trump lên tiếng chỉ trích CEO Twitter về vấn đề kiểm duyệt, Mark đã xuất hiện kịp thời và tỏ ý sẵn sàng để Facebook là nơi Tổng thống thoải mái nêu quan điểm. Bất chấp những phản ứng dữ dội của cả người dùng lẫn đội ngũ lãnh đạo, Mark vẫn muốn giữ lập trường của mình. Tham vọng của CEO 8x đã thể hiện ngay từ đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống của Trump. Khi cuộc chạy đua bốn năm trước đang đến gia đoạn nước rút, cùng lúc các quảng cáo chính trị của Trump xuất hiện liên tục trên Facebook, những thông tin bất lợi về đối thủ của ông là bà Hillary Clinton cũng đến với đông đảo cử tri Mỹ hơn qua mạng xã hội này. Sau đó, nhiều người cho rằng mối quan hệ của Mark và Trump ngày càng trở nên thân thiết.

Zhang Yiming cũng không phải vừa. Khi TikTok đang len lỏi vào đời sống công nghệ toàn cầu, ông cũng âm thầm chuyển trụ sở ByteDance ra khỏi Đại lục. Để cho thấy mình không liên quan gì đến chính quyền Bắc Kinh, công ty này cũng sẵn sàng "biến mất" khỏi Hong Kong sau những vấn đề chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, ở Thung lũng Silicon, Zhang không đủ thân thiết với Nhà Trắng bằng Mark. TikTok đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp và phải tự phải giải quyết, không thể dựa dẫm vào chính phủ hay những mối quan hệ nào.

Gió Đông đang thổi xuống phía Tây và gió Tây cũng đang hướng về phía Đông. Hiện tại, TikTok có vẻ gặp nhiều khó khăn hơn và Facebook sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, rất khó để nói ai sẽ chiến thắng cuối cùng, vì đó sẽ là câu chuyện rất dài. Nhưng cả Mark và Zhang đều hiểu chỉ cần xảy chân một chút, đối thủ có thể vươn lên và nhấn chìm mình.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét