Với các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 81/2020/NC-CP, hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành vượt quá số vốn đăng ký, thậm chí vượt nhiều lần số vốn chủ sở hữu, cá biệt có trường hợp gấp đến 50-10 lần vốn chủ sở hữu sẽ được ngăn chặn.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định theo hướng chặt chẽ hơn
Từ cuối năm 2018, khi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP (Nghị định 163) ra đời, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những bước phát triển nhảy vọt. Vốn hóa thị trường năm 2018 mới 9,01% GDP thì đến cuối năm 2019 đã là 10,85% GDP, tương đương khoảng 640.000 tỷ đồng. Riêng khối lượng TPDN phát hành trong năm 2019 đạt trên 332.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có đến 130 doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu, huy động tổng cộng 156.327 tỷ đồng thông qua 818 đợt phát hành (tăng khoảng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019). Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 6 năm 2020.
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, mặc dù những con số trên là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng với mức tăng trưởng như vậy cho thấy dấu hiệu của sự phát triển “nóng”.
Cùng với đó, sự gia tăng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân (bao gồm cả những nhà đầu tư không có năng lực phân tích, đánh giá mà chỉ quan tâm đến lãi suất) sẽ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tính ổn định của thị trường.
Không những vậy, trên thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã xuất hiện những méo mó khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Quy định chặt chẽ hơn việc phát hành TPDN
Chính vì vậy, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP (Nghị định 81) nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 về việc phát hành TPDN riêng lẻ theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn.
Thứ nhất, Nghị định 81 giới hạn quy mô phát hành TPDN riêng lẻ phù hợp với quy mô vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định khối lượng trái phiếu được phát hành của tổ chức phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Đồng thời, dư nợ trái phiếu (tính thêm cả khối lượng dự kiến phát hành) và yêu cầu dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (riêng các tổ chức tín dụng không áp dụng quy định này).
Với quy định này, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả, rủi ro bong bóng nợ trong các doanh nghiệp phát hành sẽ được kiểm soát. Hiện tượng một số doanh nghiệp trong năm 2019 đã phát hành vượt quá số vốn đăng ký, thậm chí là nhiều lần số vốn chủ sở hữu, cá biệt có trường hợp gấp đến 50-10 lần vốn chủ sở hữu sẽ được ngăn chặn.
Thứ hai, Nghị định 81 quy định các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng; mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.
Quy định mới này sẽ giải quyết được hiện tượng doanh nghiệp phát hành xé lẻ đợt phát hành thành thành nhiều đợt, nhiều mã trái phiếu và phát hành liên tục. Đồng thời, hạn chế việc các doanh nghiệp kéo dài thời gian phát hành mỗi đợt để thu gom các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong năm 2019 có đến 16 doanh nghiệp phát hành từ 10 đợt trở lên, trong đó có những doanh nghiệp chia nhỏ quy mô và phát hành trên 50 đợt.
Thứ ba, Nghị định 81 bổ sung quy định doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành trái phiếu trong hồ sơ phát hành.
Thứ tư, quy định bắt buộc tổ chức phát hành ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu. Theo đó, tổ chức tư vấn phát hành phải có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng các quy định về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành trái phiếu quy định tại Nghị định 81 cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Thứ năm, Nghị định 81 yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các tổ chức tư vấn phát hành báo cáo định kỳ về tình hình tư vấn phát hành và Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm tổng hợp các thông tin về TPDN và thực hiện báo cáo định kỳ tháng, quý, năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nguồn ANTD
0 comments:
Đăng nhận xét