12 thg 7, 2020

Chém nhau vì hát karaoke quá lớn, chuyển nhà vì không chịu nổi tiếng loa

Người thân của tôi, bà P.T.V. (62 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) đã quyết định chuyển nhà đến khu khác sống vì không chịu nổi tiếng ồn từ loa bên nhà hàng xóm.
Loa cầm tay đang phổ biến ở các chợ (ảnh chụp tại Dĩ An, Bình Dương) - Ảnh: LÊ THẠCH

Chuyển về sống ở Dĩ An gần 3 năm, cũng quen những ngày cuối tuần hay lễ tết hàng xóm vẫn hay vang lời ca tiếng hát. Nhưng gần đây mọi chuyện đã quá mức chịu đựng đối với bà.

Chém nhau vì hát karaoke quá lớn
Khu nhà san sát nhau, có hôm đang nằm xem thời sự trên tivi bà phải bật dậy, suýt bỏ chạy ra ngoài vì mái tôn bỗng dưng rung lên khi hàng xóm thử loa bật công suất lớn.

Tuổi cao, thêm bệnh rối loạn tiền đình nên hay bị mất ngủ. Hàng xóm không phải mở nhạc quá khuya, mà do bà đi ngủ sớm nên rất khó để nói.

Sáng tinh mơ, tiếng loa mở nhạc từ hàng xóm dội sang. Ngoài đường, tiếng loa cầm tay của anh bán bánh mì ra rả dội vào từ 5 giờ sáng. Có nhà khác mở nhạc lớn đến mức cách xa hơn 50m vẫn nghe rõ mồn một, bà V. nói.

Anh T. (con bà V.) kể có hôm tờ mờ sáng, đang ngon giấc cuối tuần đã nghe tiếng kinh Phật mở vang cả xóm, giật mình tỉnh dậy vì tưởng trong xóm có ai mới qua đời. Cảm giác rất khó chịu nhưng khó nói.

Tháng 6-2019, tại phường này đã xảy ra tình trạng hàng xóm chém nhau sau khi có người phản ảnh hàng xóm ở cùng khu trọ hát karaoke quá lớn. Cả xóm từng nguyên đêm không ngủ, kéo cửa trốn trong nhà trước tình trạng hàng chục thanh niên cầm dao rượt đuổi nhau.

Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi các anh công an có mặt, hậu quả có người bị thương.

Sau lần đó, chủ nhà trọ mời hết những người đó ra và sau đó bán luôn khu phòng trọ. Ngay chính bà cũng không chịu nổi sự ồn ào và những mâu thuẫn từ chuyện hát hò.

Không chỉ loa nhà
Bước ra khỏi tiếng loa ồn ào nhà hàng xóm, ra đường, ra chợ hay công viên, quán nhậu lại ồn kiểu khác. Từ lớn đến nhỏ, từ loa thùng đến loa cầm tay, từ cửa hàng bán đồ điện tử đến chỗ thấy thau cá, bó rau để dưới đất.

Chợ Xóm Nghèo, Xóm Vắng là hai chợ trời lớn ở Dĩ An vì lượng công nhân làm ở các khu công nghiệp sống ở đây. Cứ tới phiên họp chợ là không chịu nổi bởi tiếng rao. Tuy nhiên, thời gian gần đây có phần giảm hơn khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Ông H., tiểu thương bán ở chợ Xóm Nghèo, cho biết giờ nhiều người không dám mở loa vì sợ lực lượng dân quân tịch thu. Một tiểu thương khác bán trái cây trên xe đẩy cho biết: "Để giảm âm lượng của loa, chúng tôi phải dùng bọc nilông trùm lại vì những hộ gần chợ phàn nàn quá!".

Người dân sống gần chợ cũng nhận thấy rõ rệt sự thay đổi, những âm thanh rao inh tai ngày trước giảm hẳn, chỉ còn những tiếng rao be bé vừa đủ nghe để gây sự chú ý. Riêng giờ cao điểm có lực lượng chức năng túc trực thì chợ không còn tiếng rao.

Bệnh viện cũng không chừa
Ai đến cửa khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (còn gọi Bệnh viện 512, Phạm Ngọc Thạch, Thủ Dầu Một) sẽ không khỏi khó chịu trước tiếng rao ồn ào.

"Cháo nóng 10.000, cà phê 10.000, gối 30.000, mền 50.000, nước suối, khăn lạnh đây", liên khúc rao này hầu như không có giờ nghỉ, nếu có thì có thể lúc hết pin và đang sạc.

Ngồi sát người bán hàng luôn có hai bảo vệ trực nhưng tiếng loa kia lọt vào tận giường bệnh khoa cấp cứu.

Anh Phạm Tiến Bình (ngụ Dầu Tiếng) có mặt ở khoa cấp cứu bệnh viện này tối 9-7 bày tỏ sự khó chịu: "Chúng tôi đang lo lắng mà tiếng rao cứ inh ỏi. Tôi ở khoa cấp cứu tận hơn 23h vẫn nghe tiếng rao".

Mong cơ quan chức năng vào cuộc, cần kiểm tra và có các hình thức xử lý những người lạm dụng. Câu chuyện tịch thu loa rao công nghiệp như ở chợ Xóm Nghèo, Dĩ An là một trường hợp có thể được cân nhắc để áp dụng.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét