Về đích sớm trong cuộc đua 5G, cả Samsung Electronics lẫn Huawei Technologies - đại diện cho Hàn Quốc và Trung Quốc, đều muốn dẫn đầu trong việc phát triển mạng di động thế hệ kế tiếp.
So với mạng 5G, mạng 6G sẽ có tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần, vào khoảng hơn 1 Tbps
Theo sau Hàn Quốc và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển mạng 6G là Nhật Bản, và Mỹ - nơi đang khát khao giành lại vị trí độc tôn công nghệ hơn bao giờ hết.
Tờ Nikkei Asian Review nhận định, trong bối cảnh mạng 5G ngày càng trở nên phổ biến, cuộc đua phát triển mạng di động thế hệ tiếp theo đã bắt đầu nhen nhóm, với vị trí dẫn đầu ở thời điểm hiện tại thuộc về Samsung Electronics và Huawei Technologies, đặc biệt trong việc lắp đặt các trạm phát sóng mặt đất - yếu tố quan trọng sẽ làm nên xương sống cho các mạng di động tương lai.
Theo đó, các hoạt động nhằm chuẩn hóa thông số kỹ thuật cho mạng 6G sẽ được triển khai từ năm 2023 - động thái nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cho việc phát triển thiết bị và linh kiện trước khi tiến trình thương mại hóa 6G diễn ra vào năm 2027. Và, để có thể dẫn đầu trong cuộc đua thiết lập chuẩn công nghệ 6G, cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc đều đang tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp nội địa thông qua các nỗ lực hợp tác công-tư.
Tại Hàn Quốc, Samsung cùng LG Electronics đã tiến hành xây dựng các trung tâm nghiên cứu, trong khi chính quyền Seoul đang cân nhắc đầu tư cho một dự án phát triển hạ tầng có tổng giá trị lên tới 976 tỷ Won (800 triệu USD), với mục tiêu đưa xứ sở kim chi trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ 6G thương mại.
Còn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã công bố một chương trình nghiên cứu và phát triển vào tháng 11 năm ngoái, song song với đội ngũ nghiên cứu 6G của tập đoàn Huawei.
Một trạm thu phát sóng 5G do Samsung phát triển.
So với mạng 5G, mạng 6G sẽ có tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần, vào khoảng hơn 1 Tbps; song, khoảng cách truyền dẫn của các trạm phát sóng chỉ vào khoảng 200m hoặc ít hơn.
Đồng nghĩa, "chúng ta sẽ cần số lượng trạm phát sóng gấp 10 lần dân số", Tetsuya Kawanishi - Giáo sư Đại học Waseda (Nhật Bản) cho biết. Đơn cử, Nhật Bản hiện có khoảng 600.000 trạm phát sóng. Với 6G, khoảng 1 tỷ trạm phát sóng sẽ cần được lắp đặt trên toàn Nhật Bản và con số này đối với toàn thế giới sẽ là 100 tỷ.
Sử dụng bước sóng ngắn hơn để thu phát tín hiệu, nên kích thước của các trạm phát sóng mạng 6G cũng nhỏ hơn, cỡ bằng một chiếc điện thoại cầm tay, so với một chiếc tủ lạnh như hiện nay.
Thậm chí, ngay cả thiết bị chiếu sáng, đèn tín hiệu và phương tiện giao thông công cộng cũng có thể đóng vai trò như một trạm phát sóng.
Theo IHS Markit, 3 doanh nghiệp hiện đang kiểm soát xấp xỉ 80% thị trường trạm phát sóng là Huawei, Ericsson và Nokia. Châu Âu đồng thời cũng có ý định phát triển chuẩn công nghệ 6G thông qua Dự án Hợp tác Thế hệ thứ 3 và các bên khác. Mong muốn giành lại vị thế độc tôn, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đưa Mỹ vào tuyến đầu công nghệ 6G và đặt mục tiêu dẫn đầu trong mảng phát triển chip xử lý cho các thiết bị 6G.
Nhật Bản, mặt khác, lại muốn chiếm lĩnh cả thị phần thiết bị lẫn lượng bằng sáng chế liên quan tới 6G. Tháng 4 vừa qua, Bộ Truyền thông Nhật Bản cho biết sẽ đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần trạm phát sóng và cơ sở hạ tầng khác, từ mức 2% ở thời điểm hiện tại.
Tokyo đồng thời mong muốn các công ty của mình nắm giữ 10% số bằng sáng chế mạng 6G trên toàn thế giới. Hiện, Samsung đang dẫn đầu cuộc đua 5G với 8,9% số bằng sáng chế; kế tiếp là Huawei (8,3%) và Qualcomm (7,4%). Đại diện từ Nhật Bản là NTT Docomo đang đứng thứ sáu với 5,5% thị phần, theo Cyber Creative Institute.
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét