13 thg 7, 2020

Đáng sợ nhất là kiểu nhân viên đã không có năng lực còn chê bai công việc: Kẻ vô ơn chắc chắn là kẻ thất bại!

Dù công việc hiện tại chưa được như ý, nhưng đừng vội chê bai hay chì chiết. Bởi vì...

Có bao nhiêu người coi thường công việc của mình?

Có bao nhiêu người vừa làm việc vừa thét gào "tôi không muốn làm nữa", nhưng vẫn cun cút làm việc mỗi ngày?

Đã là công việc, đã là sự lựa chọn của mình, tại sao không làm cho tử tế? Tại sao không bắt đầu công việc mỗi ngày bằng một lòng biết ơn tràn trề? Cần phải hiểu rằng, đẳng cấp EQ thực ra là làm việc bằng cả lòng biết ơn đong đầy.

--01--

Có ông bố từng răn dạy con trai mình rằng:

Làm việc phải dụng tâm.

Nếu như, công việc đầu tiên mà con đã có được mức lương rất tốt, chứng tỏ con may mắn, con phải nỗ lực làm việc để tỏ lòng biết ơn và sự mãn nguyện.

Nếu như mức lương chưa được lý tưởng lắm, thì con phải tìm cách nâng cao năng lực của mình trong công việc đó.

Đó là những lời răn thấm thía mà những người trẻ như chúng ta nên ghi nhớ và tuân theo như những nguyên tắc làm việc bất di bất dịch.

Có thể công việc của chúng ta không thập toàn thập mỹ, nhưng chúng ta vẫn phải cảm ơn sếp, cảm ơn môi trường làm việc, cảm ơn mỗi cơ hội làm việc và làm việc bằng cả lòng biết ơn đong đầy.

Dù ban đầu địa vị chưa cao, dưới chướng người khác, nhưng đừng vội so đo tính toán. Tích cực làm việc, coi mỗi nhiệm vụ công việc là một sự khởi đầu mới, một trải nghiệm mới, một cánh cửa cơ hội hướng tới thành công mới.

Mỗi công việc đều là những kinh nghiệm và nguồn tài nguyên quý báu. Nỗi buồn khi thất bại, niềm vui lúc thành công, sự hà khắc của lãnh đạo cấp trên, sự cạnh tranh giữa đồng nghiệp với nhau... đều là những trải nghiệm và cảm nhận mà bất cứ người làm việc nào muốn hướng tới thành công cũng phải trải qua.

Một vị tổng giám đốc điều hành của một công ty nhân lực nổi tiếng từng chia sẻ: "Một số sinh viên đang trong kỳ thực tập, chưa làm việc đã đòi đàm phán điều kiện với sếp. Hay có những nhân viên vừa nhận chức, mới có chút thành tích đã mặc cả này nọ với quản lý bộ phận… điều này thật lỗi thời".

Họ nên hiểu và biết ơn sự bồi dưỡng mà doanh nghiệp dành cho họ, chứ không phải là kỳ kèo thêm vài đồng bạc. Họ nên đưa ra yêu cầu tăng lương phù hợp khi bản thân có chút thành tựu, có như vậy thì doanh nghiệp mới phát triển lớn mạnh hơn.

Tôi có anh bạn làm lập trình viên trong một công ty phần mềm đã 8 năm. Đang trong lúc thuận buồm xuôi gió thì công ty đóng cửa. Vợ anh lại vừa mới sinh con xong, nên anh phải lập tức đi tìm công việc mới.

Trong lúc lướt web anh thấy một công ty phần mềm nọ cũng đang tuyển lập trình viên, đãi ngộ tốt. Anh tự tin gửi CV ứng tuyển. Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn dày dặn, anh dễ dàng vượt qua vòng thi viết. Còn vòng phỏng vấn trực tiếp, anh cũng vô cùng tự tin.

Nhưng khi phỏng vấn, người phỏng vấn hỏi anh về hướng phát triển phần mềm trong tương lai. Đây là vấn đề mà anh chưa bao giờ suy nghĩ tới, trả lời ấp úng, nên bị loại.

Thế nhưng tôn chỉ, ý niệm về ngành sản xuất phần mềm của công ty này khiến anh cảm thấy mới lạ. Anh quyết định viết một bức thư cảm ơn: "Cảm ơn quý công ty đã bớt chút thời gian sắp xếp nhân lực cho tôi có được cơ hội tham gia thi viết và phỏng vấn. Mặc dù, tôi bị loại nhưng mở mang được tầm mắt. Xin chân thành cảm ơn quý công ty".

Bức thư này được truyền đọc khắp các bộ phận, cuối cùng đến tay tổng giám đốc.

Ba tháng sau, anh bất ngờ nhận được thông báo trúng tuyển của công ty phần mềm mà anh từng bị loại trước đó. Thì ra, lãnh đạo công ty nhìn thấy đức tính biết ơn cao thượng của anh. Nên khi có vị trí trống tự nhiên sẽ ưu tiên anh hàng đầu. 10 năm sau, bằng sự cố gắng nỗ lực và thành tích xuất sắc, anh trở thành phó tổng giám đốc của công ty.

--02--

Trong doanh nghiệp, những người biết cảm ơn, luôn là những người được chào đón nhất. Theo nhiều chuyên gia nhân lực bày tỏ: Rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, khi tuyển nhân viên, họ không chỉ xem trọng kiến thức chuyên môn mà còn chú trọng rất nhiều tới cách xử lý vấn đề và tốc độ hòa nhập của ứng viên.

Nói một cách khác đó là có thể làm người, làm việc bằng một trái tim và tấm lòng biết ơn hay không?

Thế nhưng, hiện nay có rất nhiều người, họ có thể cảm kích vô cùng trước sự giúp đỡ nhỏ của một người lạ qua đường, nhưng lại "giả mù" trước muôn vàn ân huệ của công ty của sếp. Họ coi đó là điều đương nhiên, đơn thuần chỉ là mối quan hệ trao đổi thương mại.

Nhưng ông vua giàu mỏ John D. Rockefeller trong bức thư gửi con trai mình lại viết:

Giờ đây, mỗi khi nghĩ về công ty mà trước kia ta đã từng làm, nghĩ về hai vị sếp đáng kính năm đó, trong lòng ta lại trỗi dậy một lòng biết ơn vô cùng. Đó là công việc mở đầu cho quá trình phấn đấu của ta, giúp ta xây dựng nền móng thành công, ta luôn luôn cảm kích vô cùng đối với những trải nghiệm công việc trong suốt 3.5 năm đó.

Đúng là, giữa người chủ thuê và người làm thuê chỉ là mối quan hệ hợp đồng. Nhưng phía sau mối quan hệ hợp đồng đó, lẽ nào không thể có chút thành phần "cảm kích, biết ơn" sao?

Chính vì chúng ta có cơ hội công việc đó, mới có vật chất để sinh tồn và vũ đài để thể hiện giá trị bản thân; Sự thông minh tài trí của chúng ta mới có điều kiện để manh nha, kinh nghiệm cuộc đời của chúng ta mới được phong phú, năng lực và sự tài ba của chúng ta mới có cơ hội và không gian thể hiện.

Do vậy, tại sao không thể nói với sếp, không thể cảm ơn họ đã cho chúng ta cơ hội chứ?

Dĩ nhiên, sự thành công của mỗi người không thể thiếu sự nỗ lực của chính bản thân họ. Nhưng dù hành động của bạn có hoàn hảo, sáng suốt đến mức nào, bạn cũng phải luôn biết ơn người khác.

Thử nghĩ xem, mỗi lần bạn hành động, có lần nào là không có sự giúp đỡ của người khác? Chính vì có sự thấu hiểu và ủng hộ của đồng nghiệp, cộng thêm những kiến thức quý báu mà bạn học được từ họ, thì mới có cơ hội giúp bạn thăng tiến và thành tài.

Vậy nên có người nói: Bước đầu tiên của thành công đó là phải có một trái tim và tấm lòng biết ơn. Cảm ơn trạng thái hiện tại của bản thân, kính trọng và cảm ơn tất cả những gì mà người khác đã làm cho bạn. "Cảm ơn" cũng chính là một trong những trách nhiệm của người đứng đầu. 

Có người từ nhân viên bình thường được thăng chức lên giám đốc từng chia sẻ:

"Khi tôi mới đến công ty, tôi chỉ là một người nhân viên bình thường không có kinh nghiệm. Tại sao chỉ trong 2 năm tôi được thăng chức lên giám đốc? Đó là bởi, tôi thường làm việc bằng một trái tim và tấm lòng biết ơn. Tôi cảm ơn sếp cho tôi cơ hội, tôi cảm ơn đồng nghiệp đã quan tâm và giúp đỡ tôi từng chút một".

Nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng. Chính lòng biết ơn đó đã góp thành động lực giúp chúng ta càng nỗ lực hơn, sống hết mình để nhận lại những trái ngọt mà cuộc đời này ban tặng.

--03--

Làm việc bằng tấm lòng biết ơn vô bờ, không những có lợi cho công ty và sếp. Biết ơn, cảm kích còn mang lại nhiều việc đáng để cảm kích hơn. Đó là nguyên tắc vĩnh hằng trong vũ trụ bao la này.

"Nhận ơn huệ từ người khác không phải là một phẩm chất đẹp, báo ơn mới là đức hạnh cao thượng. Khi chúng ta có lòng biết ơn, cảm kích, mỹ đức tự nhiên sẽ sản sinh"

Đừng bao giờ cho rằng công việc nhàm chán và vô vị. Khi bạn làm việc bằng tấm lòng biết ơn, bạn có thể trở thành một người có phẩm đức cao thượng, một người có lực tương tác và sức ảnh hưởng, một người có sức hút đặc biệt.

Chúng ta phải tin rằng: Biết ơn sẽ giúp chúng ta mở được cánh cửa có sức mạnh thần kỳ, giúp chúng ta phát huy tiềm lực vô tận để chúng ta có được cơ hội làm việc và cơ hội thành công tốt hơn.

Bởi vậy, dù công việc hiện tại chưa được như ý, nhưng đừng vội chê bai hay chì chiết. Thay vào đó hãy nói lời cảm ơn, cảm ơn công việc hiện tại, cảm ơn môi trường hiện tại, đang làm bước đệm cho thành công của bạn trong tương lai.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét