TP HCM - Hát từ trưa tới khuya, ở mọi lúc mọi nơi, trong bộ dạng say xỉn, nhiều người hát karaoke qua loa kéo khiến người sống xung quanh mệt mỏi, bức xúc.
Loa thùng được một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp phục vụ khách hát karaoke. Ảnh: Ngọc Bích.
TP.Hồ Chí Minh 23h, hơn 10 bàn trong quán nhậu ở đường Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp vẫn chật kín người. Một thanh niên mặt áo thun bó, tay lộ hình xăm vằn vện, đứng sát lề đường bên chiếc loa kéo cầm micro hát, đồng nghiệp khác chạy đến từng bàn tay cầm theo bịch kẹo niềm nở mời khách. Vừa nhận 50.000 đồng, người bán kẹo ghé sát tai khách nhậu để nghe chọn bài. Ba phút sau, khi bài bolero "mồi chài" kết thúc, chiếc micro được đưa đến cho khách. Thanh niên đứng ở lề đường lúi húi chỉnh nhạc, mở âm thanh to hơn theo yêu cầu của khách.
Dứt bài, chiếc loa kẹo kéo tiếp tục được hai thanh niên kéo từ bàn này sang bàn kia niềm nở đưa micro cho từng người kèm lời mời mua kẹo. Khách chỉ cần boa thêm là được hát. Thanh niên nói giọng miền Trung mặt đỏ gay, gật gù nhận micro từ người phục vụ. Ba cô gái xung quanh anh ta vỗ tay như chào đón.
Anh ta bấm bấm điện thoại chọn bài, miệng dí sát sẵn vào micro. Sau phần nhạc dạo, giọng ca pha chút khàn khàn cất lên: "Em có về xứ Nghệ với anh không. Đất miền Trung mưa dầm nắng gió...". Giọng nam thanh niên vang xa cả trăm mét vẫn còn nghe rõ mồn một. Đến giữa bài, anh ta và ba cô gái cụng bia, cười nói.
Tới những đoạn cao trào anh ta hát to hơn, giọng réo rắt, hai mắt nhắm nghiền. Đến bài thứ ba, thanh niên hát bì bõm câu được câu mất, giọng gằn gằn rất khó chịu. Gần nửa đêm, chương trình "văn nghệ lề đường" chưa dừng. Ngồi thụp giữa tiệm tạp hóa, chị Ngọc Mai, 38 tuổi, ngao ngán: "Tôi ngồi chờ họ hát xong mới vào nhà ngủ được, ngày nào cũng bị tra tấn. Khó nhắc nhở họ lắm, vì ai cũng say xỉn, dính vào phiền phức".
Đường Phạm Văn Đồng được xem là "phố nhậu" ở Sài Gòn. Ngoài loa karaoke của người bán kẹo kéo dạo, thời gian gần đây xuất hiện nhiều dạng beer club vỉa hè. Các chủ quán thường sử dụng dàn loa công suất lớn dựng trên vỉa hè, hướng thẳng ra đường, thậm chí là thuê DJ, lắp hệ thống ánh sáng nhiều màu để thu hút khách. Cứ từ khoảng 19h đến khuya, con đường này bị khuấy động bởi âm thanh hỗn tạp từ các chương trình văn nghệ từ loa kéo, gây khó chịu cho những người sống xung quanh.
Ở trung tâm thành phố, khu phố tây Bùi Viện (quận 1) nhiều năm nay nổi tiếng sầm uất, nhiều tụ điểm vui chơi. Mặt trời bắt đầu lặn, những âm thanh từ hàng chục quán beer club, bar, nhà hàng vang lên. Ánh sáng xanh đỏ từ hàng quán hai bên lề đường hắt ra, chiếu vào người đi đường để thu hút, mời gọi. Bên trong các quán, nữ DJ lắc lư theo điệu nhạc, phía dưới hàng chục người nhún nhảy theo.
Gần đó, những hàng quán vỉa hè, nhiều thanh niên ngồi cầm micro hát bên cạnh chiếc loa kẹo kéo sát bên người. Cô gái trẻ bên ly bia đầy, hát ca khúc nhạc trữ tình, lắc lư theo điệu nhạc. Phía đối diện, thanh niên ngồi cùng vỗ tay theo lời hát. Kế bên, bốn cô gái trong trang phục bắt mắt liên tục hát hò, quay số lô tô. Họ chỉ tắt nhạc khi lực lượng chức năng phường Phạm Ngũ Lão xuất hiện.
Ông Huỳnh Mẫn, Phó chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão cho biết, ba ngày cuối tuần lực lượng chức năng gồm công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố chia làm nhiều tổ tuần tra xử lý người dùng loa kẹo kéo gây ồn tại phố Tây Bùi Viện. Việc xử lý ở mức nhắc nhở, phạt hành chính. Trường hợp nhắc nhở nhiều lần không chấp hành sẽ bị tịch thu loa, micro, phạt tiền.
Loa thùng di động hát karaoke UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 thu giữ thời gian gần đây. Ảnh: Ngọc Bích.
Theo ông Mẫn, việc xử lý gây ồn bằng loa kéo rất khó khăn bởi các hẻm đường Bùi Viện thường thông với các đường lớn như Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo. Khi thấy lực lượng chức năng tới, người sử dụng kéo loa vào trong. Có nhiều người hát say xỉn còn tỏ ra chống đối, đòi hành hung nhân viên phường. "Chúng tôi kiến nghị Phòng Tài nguyên Môi trường hỗ trợ, sử dụng máy đo độ ồn để tăng cường xử phạt hành vi này", ông Mẫn nói.
Tại các khu dân cư của công nhân lao động cứ đến thứ bảy, chủ nhật, những âm thanh chát chúa của loa kéo lại tra tấn những người ở trọ. Từ tiệc sinh nhật, thôi nôi hay buồn vì không có việc gì làm cũng mang loa ra hát. Nhiều khu trọ chật chội, phòng nằm san sát nhau. Chỉ cần một chiếc loa kéo xuất hiện, hát karaoke là cả khu trọ với hàng chục hộ gia đình phải "chịu trận".
Chị Phùng Thanh Tú, 33 tuổi, ở xóm trọ gần Khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức cho biết, có hôm hàng xóm hát từ trưa đến 9-10h tối mới nghỉ. Ngày chủ nhật nhiều người muốn nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt mỏi cũng không yên thân.
"Tội nhất là những người có con nhỏ, đóng cửa phòng kín mít vẫn không chịu được. Trẻ nhỏ thành ra quấy khóc vì không ngủ được", chị Tú nói và cho biết, nhiều khi người ở kế bên bức xúc quá sang nhắc nhở. Bên kia cũng ngà ngà say xỉn chửi lại, xảy ra xô xát, may mà hàng xóm can ngăn.
Vấn nạn karaoke dạo "tra tấn" người dân được đưa lên bàn nghị sự HĐND thành phố vài ngày qua. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM cho rằng, karaoke di động đã gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Việc này khiến xảy ra bất hòa, thậm chí đã xảy ra án mạng. Để xảy ra việc này một phần do cơ quan chức năng thiếu kiên quyết xử lý.
Trả lời chất vấn đại biểu HĐND thành phố hôm 11/7 về tác hại của karaoke loa kéo, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết, Sở lập hai đoàn thanh tra liên ngành văn hóa – xã hội để xử lý tiếng ồn. Tuy nhiên theo Nghị định 67, Sở không có chức năng đo tiếng ồn nên phải thuê đơn vị khác, việc xử lý tiếng ồn thuộc về công an. Mức xử phạt hành vi gây tiếng ồn còn thấp.
"Nếu tiếng ồn xảy ra ở địa bàn dân cư, việc xử lý thuộc trách nhiệm chủ tịch UBND và trưởng công an địa bàn đó", ông Nhân nói và đề nghị các quận, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường xử lý tiếng ồn, tránh để xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết năm 2013, Chính phủ đã có Nghị định 167 để kiểm soát tiếng ồn sau 22h đến 6h sáng. Tại TP HCM, 6 tháng đầu năm có 46 trường hợp bị lập biên bản và xử lý. Phạt chỉ ở mức 100.000-300.000 đồng nhưng cũng là giải pháp chấn chỉnh việc gây ồn trong khu dân cư.
"Ngành Tài nguyên - Môi trường sẽ tiếp thu vấn đề Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã nêu về tiếng ồn do karaoke loa kéo gây ra để tham mưu UBND thành phố hướng dẫn các quận, huyện", ông Thắng nói và cho biết sau kỳ họp HĐND này sẽ hướng dẫn cụ thể việc xử lý cho các địa phương.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét