Đi qua mùa dịch, khó khăn của các doanh nghiệp đang dần lộ diện khi những khoản lỗ lớn trong quý 2 dần được công bố.
Vị trí quán quân lỗ quý 2 đang thuộc về Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong kỳ doanh thu Công ty đạt 13.737 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức 27.843 tỷ cùng kỳ năm ngoái, khấu trừ giá vốn BSR báo lỗ gộp 1.879 tỷ đồng (quý 2/2019 ghi nhận lãi hơn 440 tỷ đồng). Dù Công ty tiết giảm mạnh các chi phí hoạt động, quý 2 vẫn ghi nhận lỗ sau thuế 1.898 tỷ đồng, giảm sút mạnh so với mức lãi hơn trăm tỷ cùng kỳ.
Nửa đầu năm, doanh thu BSR ghi nhận 31.727 tỷ đồng, giảm mạnh 38%. Khấu trừ chi phí, 6 tháng đầu năm 2020 BSR báo lỗ ròng hơn 4.255 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ 4.234 tỷ đồng; trong khi nửa đầu năm 2019 lãi ròng hơn 704 tỷ đồng. Tình hình kém sắc trên của BSR chủ yếu do ngay những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát kết hợp với cuộc khủng hoảng giá dầu khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho của nhà máy có thời điểm trên 90%.
Một doanh nghiệp điện cũng đã công bố khoản lỗ cao bất thường trong lịch sử hoạt động là Điện lực Khánh Hòa (KHP), doanh nghiệp này đã báo lỗ đến 218,8 tỷ đồng trong quý 2 cao hơn rất nhiều so với khoản lỗ 14,5 tỷ đồng của quý 2/2019 – Đây cũng là mức lỗ ròng theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của KHP. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, KHP đạt 2.236 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 11% so với cùng kỳ, LNST âm 230,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 40 tỷ đồng.
Điện lực Khánh Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên sản lượng điện thương phẩm và giá bán đều giảm làm doanh thu giảm mạnh. Riêng việc thực hiện giảm/miễn giá điện đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid – 19 theo quy định của nhà nước là 92,29 tỷ đồng. Doanh thu bán điện quý 2/2020 giảm 345,69 tỷ đồng so với cùng kỳ và doanh thu bán điện 6 tháng 2020 giảm 259,6 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2019.
Than Núi Béo – Vinacomin (NBC) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ ròng hơn 140 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt hơn 9 tỷ đồng – Đây cũng là con số lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, NBC đạt 901 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ, LNST âm 138,5 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2019 lãi ròng gần 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên doanh nghiệp này cho biết số liệu BCTC quý 2/2020 hiện tại là số tạm tính do công ty chưa thanh quyết toán chi phí với TKV và chưa qua soát xét của kiểm toán độc lập. Nguyên nhân lỗ lớn trong quý 2 là do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến lao động bị thiếu hụt, công tác bố trí sản xuất gặp khó khăn, sản lượng thấp không đạt kế hoạch. Ngoài ra tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, sản lượng than tiêu thụ của công ty chủ yếu là than chất lượng thấp giá bán bình quân khiến công ty lỗ giá bán 111.317 đ/tấn, tổng lỗ giá bán 6 tháng là 96 tỷ đồng.
Lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề khi cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) báo lỗ trước thuế tới 111 tỷ đồng trong quý 2/2020, cao gấp 6,5 lần số lỗ quý 1/2020. Sau 6 tháng đầu năm, Vinasun chịu lỗ 128 tỷ đồng. Kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 khiến Xe khách Sài Gòn (BSG) báo lỗ quý 2 là 25 tỷ đồng, nâng lỗ 6 tháng lên tới 119 tỷ đồng. Năm 2020 trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid 19 BSG dự tính doanh thu sẽ đạt 351 tỷ đồng và lỗ 122,3 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực du lịch Du lịch Phú Thọ (DSP) - chủ sở hữu công viên văn hóa Đầm Sen - báo lỗ ròng quý 2 lên tới 146,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận 17 tỷ đồng cùng kỳ. Chuyên kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực, lưu trú và lữ hành, Du lịch Phú Thọ đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như những đơn vị khác trong ngành. Công viên nước Đầm Sen - doanh nghiệp do DSP nắm 33,5% vốn - cũng báo lỗ 4 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Tương tự là trường hợp của Khách sạn Sheraton Đà Nẵng (BDP), doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ quý thứ 10 liên tiếp với khoản lỗ lên tới gần 81 tỷ đồng – cao nhất từ trước tới nay. BDP cho biết do ảnh hưởng và diễn biến của dịch bệnh Covid 19 nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú nói chung và khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng nói riêng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ 11/4 đến 15/6/2020 khách sạn đóng cửa và ngưng hoạt động nên doanh thu quý 2 của khách sạn chỉ đạt 2% so với cùng kỳ trong khi các chi phí cố định gần như không đổi, doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chi phí khấu hao TSCĐ dẫn đến kết quả lỗ gần 81 tỷ đồng trong kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BDP báo lỗ gần 149 tỷ đồng.
Góp mặt trong danh sách này còn có khoản lỗ đáng chú ý của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) với khoản lỗ hơn 29 tỷ đồng - lần đầu báo lỗ ròng, kể từ quý 4/2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DXG lãi ròng 152 tỷ, giảm 81% so với nửa đầu năm 2019. Theo Công ty, lợi nhuận sau thuế (BCTC riêng) giảm 44% chủ yếu do chưa kịp ghi nhận doanh thu - lợi nhuận từ các dự án Công ty đã triển khai bán hàng như Opal Boulevard, Saint Mortiz. Cùng với đó, chi phí tài chính tăng hơn 104%, DXG theo đó báo lỗ hợp nhất hơn 29 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có khoản lỗ 64,3 tỷ đồng của Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) do công ty thực hiện sớm công tác tiểu tu tổ máy S2 vào tháng 5, dẫn đến sản lượng thấp hơn so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ hơn 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 35,3 tỷ đồng. Số lỗ này làm cho tổng lỗ lũy kế đến hết úy 2/2020 của Nhiệt điện Cẩm Phả tăng lên thành 1.136 tỷ đồng.
Dừng sản xuất tới 19 tháng khiến Thép Dana Ý (DNY) cũng nằm trong danh sách lỗ lớn của quý 2 – đây cũng đã là quý thứ 7 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ với con số 38,7 tỷ đồng nâng lỗ 6 tháng lên gần 83 tỷ đồng, trên sàn niêm yết cổ phiếu DNY đã bị hủy niêm yết từ ngày 4/6/2020 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2019. Việc Thép Dana Ý không phát sinh doanh thu, tạm ngừng hoạt động sản xuất đã không còn lạ với các nhà đầu tư. Hơn một năm trước Thép Dana Ý phải tạm ngừng sản xuất do một số vấn đề liên quan đến môi trường. Và công ty đang thực hiện di dời một số bộ phận nhà máy về khu công nghiệp theo yêu cầu của Thành phố. Không chỉ vậy, sau đó Thép Dana Ý còn phát đơn kiện lại UBND Thành phố Đà Nẵng liên quan đến những quyết định gây thiệt hại cho công ty, và số tiền yêu cầu đền bù lên đến gần 400 tỷ đồng. Vụ kiện hiện vẫn chưa đi đến hồi kết.
DAP - VINACHEM (DDV) báo lỗ quý 2 hơn 27 tỷ đồng do sản lượng DAP tiêu thụ giảm, giá bán bình quân kỳ này cũng giảm so với cùng kỳ năm trước, các khoản giảm trừ doanh thu cũng tăng do tăng tỷ lệ chiết khấu thương mại để kích thích khách hàng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DDV đạt 669,4 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 8,7% so với cùng kỳ, LNST âm 33,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 21 tỷ đồng.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét