Hè tới, nhiều người muốn cùng gia đình, bạn bè đi “đổi gió” hậu giãn cách vì mấy tháng Covid-19 tù túng. Do vậy, lượng du khách tăng mạnh ở một số trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đã dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ. Nhiều khách du lịch thay vì có một kỳ nghỉ thoải mái, đã thất thểu trở về như đi hành xác...
Từ giữa tháng 7, khi học sinh kết thúc năm học, bắt đầu kỳ nghỉ hè đã tạo ra làn sóng đi du lịch mạnh mẽ trên cả nước. Các sân bay kín người muộn chuyến, khách sạn không còn phòng, xe du lịch không kịp quay đầu, bữa ăn không đảm bảo chất lượng, xuất hiện tình trạng lừa đảo khách du lịch, “chặt chém”, ép khách… ở nhiều trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch.
Trên nhiều diễn đàn du lịch, các công ty lữ hành đã tổng hợp tình hình du lịch hiện nay và khuyên người dân nên đặt tour, dịch vụ du lịch trước để có kỳ nghỉ như mong muốn.
Đồng thời cũng đưa ra các khuyến cáo người dân cân nhắc khi đi du lịch thời điểm này vì: "Quảng Ninh “thất thủ” với gần 100.000 lượt người đến trong một ngày (19/7) và rất nhiều du khách không có phòng phải ngủ trên xe, khách đặt ăn nhà hàng không được vì quá tải. Tam Đảo tắc đường dài từ chân đến đỉnh, tầm 10km. Cát Bà hết phòng. Sân bay quá tải, hoạt động liên tục từ 5giờ sáng tới 12giờ đêm. Vé máy bay Đà Nẵng đắt trở lại, hơn 4 triệu đồng/khứ hồi. Ở Phú Quốc cảm tưởng như cả thế giới đang ở đó vì cứ 1m2 có tới 10 du khách…".
Ngoài ra, nhiều điểm đến như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt đang rất thiếu phòng khách sạn, resort, “cháy” hướng dẫn viên tại điểm đến, xe phục vụ khách phải gối ghép đoàn này với đoàn khác, quay đầu liên tục, nhà hàng phục vụ khách với công suất tối đa khiến đoàn này chưa xong thì đoàn khác đã tới.
Lý do dẫn đến tình trạng nói trên là do năm nay mùa du lịch hè quá ngắn, chỉ trong một tháng (cao điểm nhất từ 15/7 - 15/8), trong khi mọi năm kỳ du lịch hè kéo dài 3 tháng (từ tháng cuối tháng 5 đến hết tháng 8).
Mặt khác, sau một thời gian “đóng băng” hoàn toàn, nhân lực du lịch thất thoát không ít, nhiều người chuyển đổi ngành nghề, khi nhu cầu của khách tăng trở lại dịch vụ, nhân viên không đủ để cung cấp dẫn đến chất lượng dịch vụ không thể đảm bảo. Nhiều nơi, khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao nhưng khách phải chờ vài tiếng đồng hồ so với quy định mới nhận được phòng, phòng bẩn, món ăn buffet sáng chỉ bằng 50% so với quy định, thiếu dịch vụ so với tiêu chuẩn hạng sao… Đặc biệt là vào dịp cuối tuần, nhiều nơi dường như “vỡ trận” vì quá tải.
Loạn giá cả, xuất hiện trình trạng lừa đảo
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng cạnh tranh gay gắt về giá dịch vụ. Nhiều công ty làm inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài), giờ chuyển hết sang phục vụ khách nội địa để duy trì hoạt động nhưng có một số chưa có nhiều kinh nghiệm phục vụ khách trong nước, cố gắng giảm giá lấy đoàn, có tour chênh lệch lên tới cả 500.000 đồng tới gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, thông tin tới khách hàng không rõ ràng về hãng hàng không, giờ bay, hạng khách sạn, tiêu chuẩn ăn… nên xảy ra tình trạng loạn giá cả. Khách chi trả cao nhưng chất lượng không đảm bảo. Nhiều khách thất vọng vì ngành Du lịch quay trở lại nhưng chưa kiểm soát được hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Ngoài việc không đảm bảo chất lượng dịch vụ, không đảm bảo quyền lợi của khách cũng đã xuất hiện tình trạng có dấu hiệu lừa đảo khách du lịch. Điển hình gần đây là vụ Phòng vé Máy bay Anh Anh (66X, ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) bán combo du lịch (vé máy bay và phòng khách sạn) đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc với giá rẻ nhưng đến ngày đi không gửi code vé máy bay, mã phòng khách sạn. Chỉ trong vòng hơn một tháng, chủ phòng vé Anh Anh đã “ôm” hàng chục tỉ đồng tiền mua combo, đặt cọc của khách du lịch rồi “mất tích”. Hàng trăm người vì ham rẻ đã sập bẫy của chủ phòng vé Anh Anh, hàng chục đại lý F1, F2, F3 đã trở thành nạn nhân của phòng vé này.
Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép
Để ngăn chặn tình trạng làm ăn chụp giật của các công ty du lịch, các đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch yêu cầu sở quản lý du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch.
Đồng thời chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dung nhằm đảm bảo uy tín của ngành, quyền lợi của khách du lịch, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch, thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Trong đó tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất. Kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, thay mới các vật dụng đã cũ, không đảm bảo chất lượng. Nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả các bộ phận, các khâu phục vụ nhằm đáp ứng quy trình chuẩn trong phục vụ khách.
Tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống tại địa phương.
Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các địa phương, khu, điểm du lịch đảm bảo thông suốt đường dây nóng, kịp thời cung cấp thông tin, trả lời và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.
Nguồn Báo Thanh Tra
0 comments:
Đăng nhận xét