Nền kinh tế Singapore quý II đã rơi vào suy thoái do ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa kéo dài để đối phó đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp ngừng hoạt động và chi tiêu bán lẻ sụt giảm.
GDP quý II của Singapore giảm kỷ lục chủ yếu do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa một phần nhằm kiểm soát dịch bệnh, cũng như nhu cầu bên ngoài yếu hơn. Ảnh: Shutterstock.
Sáng 14/7, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố GDP quý II của nước này giảm 41,2% so với quý trước. Đây là mức suy giảm cao kỷ lục và mạnh hơn mức dự báo 35,9% của các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg.
So với cùng kỳ năm trước, GDP của Singapore đã giảm 12,6%, lớn hơn mức dự báo trước đó là giảm 10,5%.
Tăng trưởng GDP quý II/2020 của Singapore giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ các năm trước. Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.
Sự sụt giảm sâu của GDP cho thấy nền kinh tế Singapore đang đang chịu sức ép từ mọi phía vì đại dịch. Thương mại toàn cầu sụt giảm với lực cầu yếu đã tác động tiêu cực đến ngành sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu tại nước này. Bên cạnh đó ảnh hưởng của lệnh phong tỏa nhằm ngăn đại dịch lây lan cũng khiến các hãng bán lẻ nước này ghi nhận mức giảm doanh số kỷ lục.
Chính phủ Singapore vẫn giữ nguyên dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 4-7% trong năm nay.
Viễn cảnh ảm đạm của tăng trưởng đang gây thêm áp lực cho Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền, khi ghi nhận sự ủng hộ thấp nhất từ trước đến nay trong cuộc bầu cử hồi tuần trước. Chính phủ Singapore đã cam kết tung gói kích thích khoảng 93 tỷ đô la Singapore (67 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn vượt qua đại dịch.
"Con đường phục hồi trong những tháng tới sẽ đầy thách thức. Sự phục hồi có thể sẽ chậm và không đồng đều do nhu cầu từ bên ngoài tiếp tục yếu và các quốc gia vẫn phải chiến đấu với đợt bùng phát thứ hai hoặc thứ ba bằng cách khôi phục thị trường trong nước song song với việc thực hiện các biện pháp an toàn nghiêm ngặt hơn", Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing viết trong bài đăng trên Facebook.
Vishnu Varathan, Giám đốc Kinh tế và Chiến lược tại Mizuho Bank Singapore, nhận định mức sụt giảm trên có thể là đáy của chu kỳ, nếu Singapore không buộc phải có những biện pháp mạnh tay hơn trong ứng phó đại dịch. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng Singapore phải tung thêm kích thích, dù "4 gói kích thích tài khóa trước cần thời gian để phát huy hiệu quả".
Nguồn BizLive
0 comments:
Đăng nhận xét