28 thg 7, 2020

Hơn 18.000 người từ Đà Nẵng về TP HCM

Ba ngày qua, 18.229 người từ Đà Nẵng về TP HCM, trong đó 3 hành khách có triệu chứng hô hấp đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Những hành khách cuối cùng rời sân bay Đà Nẵng chiều 27/7. Ảnh: Gia Chính

Thông tin được Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP HCM trưa 28/7. Riêng từ 1/7 đến 26/7, có 4.907 người trở về thành phố từ Đà Nẵng đã khai báo y tế. Trong đó, 1.359 người đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.

"Trong những người ở Đà Nẵng về từ 1/7, 10 người có triệu chứng bệnh đường hô hấp và phải cách ly tập trung ngay. Đến nay, 8 người có kết quả âm tính", ông Bỉnh nói và cho biết ngoài 112 chuyến bay từ Đà Nẵng, trong ba ngày qua hành khách trên tất cả chuyến bay quốc nội khác đều được đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, người có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ liên quan các ca nhiễm đều được cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm.

TP HCM đã trải qua 116 ngày không lây nhiễm nCoV trong cộng đồng. Các trường hợp tiếp xúc với "bệnh nhân 420" từ Đà Nẵng đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay, thành phố ghi nhận 61 ca nhiễm và đều đã được chữa khỏi; 449 người đang được cách ly tập trung và 237 người đang cách ly tại nhà.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định năng lực của ngành y tế thành phố hiện có thể làm hơn 2.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày. Thời gian qua, TP HCM đã thực hiện 71.186 xét nghiệm và con số này có thể tăng mạnh thời gian tới.

Các cơ sở y tế quận, huyện được yêu cầu phối hợp với chính quyền tiếp tục rà soát người đến từ Đà Nẵng. Những người đến từ vùng dịch, có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca nhiễm cần cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp không có yếu tố dịch tễ phải theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày.

Tại cuộc họp, Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam Trần Doãn Mậu cho biết, trong ba ngày qua, lượng khách đến TP HCM từ Đà Nẵng và ngược lại đang giảm dần. Cụ thể, ngày 25/7, sân bay Tân Sơn Nhất có 5.000 hành khách đến Đà Nẵng, 6.600 người đi theo chiều ngược lại. Ngày 27/7, sân bay có 1.500 hành khách đi Đà Nẵng và 3.400 người về TP HCM.

"Số chuyến bay TP HCM - Đà Nẵng thường là 30 chuyến đi, 30 chuyến tới mỗi ngày. Từ 0h ngày 28/7, sân bay Tân Sơn Nhất đã tạm ngừng khai thác chuyến trong 14 ngày theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải", ông Mậu cho biết.

Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam nói hiện TP HCM chỉ yêu cầu khai báo y tế với hành khách rời Đà Nẵng, còn những tài xế taxi quanh sân bay thì chưa. "Những lái xe đó cũng là F1 nếu hành khách tới TP HCM đã nhiễm Covid-19. Nếu không có biện pháp rà soát, kiểm tra, họ là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát mạnh Covid-19", ông Mậu nói và đề nghị Sở Y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch vì từ nay đến 9/8, Tân Sơn Nhất sẽ đón nhiều chuyến bay chở người Việt từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada.

Trước tình trạng dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở, ngành, quận huyện không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống Covid-19. Các địa phương cần chủ động "đi từng ngõ, gõ từng nhà" xác minh những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 để khai báo y tế. Đồng thời, ông đề nghị người dân nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng.

Ông Liêm chỉ đạo Sở Y tế kích hoạt các Bộ tiêu chí an toàn trong từng ngành, lĩnh vực và vận dụng linh hoạt trong tình hình mới. Sở Công Thương đảm bảo cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong mọi tình huống xảy ra; tuyên truyền để người dân biết, hiểu, an tâm và không ồ ạt tích trữ hàng hóa không cần thiết...

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Việt Nam bước qua cấp dịch bệnh mới với tốc độ lây lan cao. Do đó, vì an toàn xã hội, mỗi người cần giảm sự "tự do" cá nhân, kiềm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP HCM trưa 28/7. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.

Lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, ông Nhân cho rằng đây là mối nguy cơ cao. Mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. "Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh tại thành phố từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp phòng chống hiệu quả", ông Nhân nói.

Bí thư Thành ủy thành phố cho rằng các loại hình hoạt động không thật cần thiết thì nên giảm; các sở, ngành rà soát và đề xuất cụ thể với UBND thành phố.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét