19 thg 7, 2020

OGC đặt kế hoạch LNST 206 tỷ đồng, đề xuất xóa một số khoản nợ

Tại đại hội, trả lời cổ đông về các khoản phải thu, OGC cho biết đến cuối năm 2019, các khoản phải thu xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng khoảng 2.500 tỷ đồng. Đó là các khoản hỗ trợ vốn cho các đối tác, phần lớn là nợ tồn đọng, mang tính lịch sử của Công ty từ thời điểm xảy ra biến cố tháng 10/2014.

Ngày 18/07, CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã: OGC) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 2 sau lần 1 bất thành vì không đủ tỷ lệ cổ phần biểu quyết tham dự. Đại hội lần này có sự tham dự của 40 cổ đông và đại diện theo ủy quyền, đại diện cho 80,41% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tập trung vào mảng kinh doanh thực phẩm, thoái vốn nhiều dự án BĐS
Năm 2020 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ HĐQT của OGC, cũng là năm đánh dấu cho một OGC mới khi sau nhiều sóng gió, Tập đoàn này đã kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, hệ thống nhân sự và công bố sẽ thúc đẩy mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh theo tư duy mới.

Báo cáo của Ban lãnh đạo tại Đại hội cho biết, mặc dù lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng và đầu tư bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên lĩnh vực chế biến và sản xuất bánh kẹo, kem tại các đơn vị thành viên lại đạt được những kết quả ấn tượng.

Năm 2019, doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, thực phẩm đã đẩy mạnh, tăng từ 50% trong năm 2018 lên 58,5% và đạt hơn 749 tỷ đồng.

HĐQT và Ban điều hành xác định tập trung vào việc duy trì và giữ ổn định doanh nghiệp song song với hoạt động tái cơ cấu tài chính và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư.

Theo đó, đối với các dự án bất động sản và đầu tư, OGC sẽ thực hiện thoái vốn ở những dự án không hiệu quả như Công viên Hồ điều hòa… để tập trung vào các dự án trọng điểm Lega Fashion House tại Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án 25 Trần Khánh Dư – Hà Nội.

Trong đó, dự án Lega Fashion House có vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, từng được OGC chủ trương thoái vốn vào năm 2015 nhưng do chủ đầu tư chưa tìm được đối tác khác nên OGC đã đàm phán tiếp tục tham gia.

Dự án Tổ hợp tài chính thương mại và dịch vụ nhà ở ở Can Lộc – Hà Tĩnh đang thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác. Đối tác đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho OGC và 2 bên sẽ hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

HĐQT cũng xem xét việc triển khai đầu tư mới, kinh doanh về lĩnh vực mua/bán thêm các cổ phần, cổ phiếu ở các Công ty khác nếu có cơ hội và hiệu quả trong hoạt động đầu tư cổ phần, cổ phiếu.

Ông Lò Hồng Hiệp – Tổng Giám đốc OGC xác định năm 2020 vẫn là một năm khó khăn trong việc duy trì ổn định tổ chức, nguồn vốn, cơ cấu các khoản mục đầu tư, các dự án chưa thể triển khai, công nợ phải thu vẫn còn lớn chưa thu hồi được nhiều, áp lực về các khoản nợ đến hạn phải trả…

Tuy nhiên, OGC vẫn đặt kế hoạch 1.008 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế 235 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 206 tỷ đồng.

Đề xuất việc xóa nợ, bán nợ của một số đối tác
Tại đại hội, trả lời cổ đông về các khoản phải thu, OGC cho biết đến cuối năm 2019, các khoản phải thu xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng khoảng 2.500 tỷ đồng. Đó là các khoản hỗ trợ vốn cho các đối tác, phần lớn là nợ tồn đọng, mang tính lịch sử của Công ty từ thời điểm xảy ra biến cố tháng 10/2014.

Ban Lãnh đạo Công ty thực hiện nhiều biện pháp để thực hiện thu hồi nhưng không có hiệu quả, do các khoản nợ không có tài sản bảo đảm, không có sự hợp tác của đối tác.

Trong năm 2019, Công ty đã thực hiện xong việc cấn trừ thu hồi gần 8,7 triệu cổ phiếu OCH từ Mạnh Hà. Một số khoản khác OGC đang làm việc đàm phán với một số đối tác để tái cơ cấu các khoản nợ phải thu và phải trả tương ứng. Một số khoản công nợ đã khởi kiện đối tác để thu hồi nợ, có một số khoản nợ đã được thi hành án nhưng kết quả thu hồi không hiệu quả, có môt số vụ kiện thì đang tiến hành chưa có Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Do đó, năm 2020, Ban Tổng Giám đốc đề xuất việc xóa nợ, bán nợ của một số đối tác để nhằm cơ cấu nợ tốt hơn.

Đối với những khoản nợ mang tính tồn đọng như khoản phải thu ông Hà Văn Thắm, Ông Hoàng Văn Tuyến – đây là những người đang chấp hành Bản án về các sai phạm liên quan đến vi phạm chế độ kế toán tại Oceanbank trong giao dịch giữa OGC và Oceanbank, và theo vụ án này OGC cũng phải chịu liên đới trách nhiệm tài chính theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra và phán quyết của Tòa án.

Theo quy định tại Thông tư 48 của Bộ Tài chính, sau khi xử lý đối với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi thì Công ty vẫn phải theo dõi trong hệ thống quản trị của Công ty và trình bày trong thuyết minh BCTC trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ.

Sau khi thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, phần thu hồi này sẽ được hạch toán vào thu nhập của Công ty. Vì vậy, Ban Lãnh đạo báo cáo Đại hội và các quý vị cổ đông, việc xóa nợ này về bản chất chỉ là việc xử lý số liệu trên báo cáo tài chính của Công ty, Công ty vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, thì các khoản nợ đối với các đối tượng như nêu trên được xem xét xóa nợ.

Nguồn Nhịp sống kinh tế

0 comments:

Đăng nhận xét