Câu chuyện đầu tư tới đây sẽ không còn dễ thắng, như cách mà thị trường vận động gần 2 tháng qua.
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2020, trái với nhiều dự báo trước đó, không ít mã trong VN30 đã giảm điểm. Ðây là phiên chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ và chốt hiệu quả hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán cho kết quả quý II cũng như 6 tháng đầu năm.
Nhìn vào hiện trạng trên, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam, ông Phan Long đánh giá, sức ảnh hưởng từ đám đông lớn hơn rất nhiều so với mong muốn của các quỹ đầu tư hay các công ty chứng khoán.
Câu chuyện đầu tư tới đây sẽ không còn dễ thắng, như cách mà thị trường vận động gần 2 tháng qua.
Trong nước, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm 2020 thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Thực tế này cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 là rất rõ ràng lên nền kinh tế, nhất là trong quý II có trọn vẹn tháng 4, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội.
Những thông số từ Tổng cục Thống kê cho thấy, cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là khu vực dịch vụ, tăng chỉ 0,57% (cùng kỳ các năm gần đây luôn tăng 6-7%); lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chỉ tăng 4,3% (bằng một nửa mức tăng cùng kỳ các năm gần đây); lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm 0,36%.
Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chống chịu tương đối tốt với dịch bệnh khi đạt mức tăng 6,78%, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 7,7% của trung bình 3 năm gần đây.
Ngoài dịch vụ, khu vực công nghiệp - xây dựng cũng bị tác động mạnh, trong đó ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP (17%) đồng thời là động lực tăng trưởng cho Việt Nam 5 năm gần đây là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 5% (bằng một nửa so với cùng kỳ).
Trên trường quốc tế, dịch Covid-19 đang lan rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ với khoảng 140.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Trong bất ổn chung của dịch bệnh, điều thú vị là chỉ số Nasdaq tại Mỹ liên tục tiến lên mức đỉnh mới, từ cuối tháng 3/2020 đến nay đã tăng 29,5%.
Sàn Nasdaq là nơi niêm yết của các công ty công nghệ, viễn thông, đây cũng là khối doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng, thậm chí hưởng lợi từ biến cố đại dịch.
Tuy nhiên, làn sóng tẩy chay quảng cáo trên facbook và các nền tảng trực tuyến của hàng loạt thương hiệu lớn trên toàn cầu tạo nên thách thức mới cho khối doanh nghiệp công nghệ.
Nếu “phao an toàn” nhất - khối doanh nghiệp công nghệ cũng gặp sóng gió, cùng với khối doanh nghiệp tài chính và sản xuất ngấm khó khăn từ đại dịch, tương lai TTCK sẽ hằn thêm những nét vẽ tối màu.
Tại Việt Nam, liên quan đến các doanh nghiệp, quý III có 2 mốc đáng nhớ. Các doanh nghiệp đại chúng sẽ phải công bố báo cáo quý II trước thời điểm 30/7/2020 và báo cáo soát xét bán niên trước 15/8/2020.
Với nhà đầu tư, bên cạnh việc theo dõi kết quả kinh doanh từ doanh nghiệp, quý III năm nay có sự kiện TTCK Việt Nam tròn 20 năm mở cửa hoạt động.
Cho đến đầu tháng 7, vẫn chưa có tín hiệu cụ thể nào về khả năng sẽ có chính sách mới, giải pháp mới, nền tảng công nghệ mới được công bố nhân dấu mốc 20 năm TTCK Việt Nam.
Phiên mở đầu tháng 7, VN-Index tăng điểm, nhưng nhiều dự báo đang nghiêng về quan điểm, quý III, chỉ số đi ngang là mừng.
Khi bức tranh thị trường tài chính toàn cầu kém tích cực và các chỉ số vĩ mô của Việt Nam chỉ ra nhiều khó khăn của các trụ cột tăng trưởng, không chỉ các nhà đầu tư gạo cội, mà các nhà đầu tư mới, thế hệ F0, cũng có xu hướng thận trọng giải ngân.
Dòng tiền dễ dãi sẽ khó dễ dãi chảy do thị trường ngày càng lộ ra việc thiếu sức kéo cho kỳ vọng mua là thắng.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán.
0 comments:
Đăng nhận xét