Sở GDCK Hà Nội (HNX) chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) đăng ký giao dịch 308 triệu cổ phiếu với mã SGB trên thị trường UPCoM.
Saigonbank là nhà băng thứ hai được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM trong năm nay sau Viet Capital Bank.
Đây cũng là ngân hàng có vốn điều lệ xếp cuối trong ngành, chỉ 3.080 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Ngân hàng giảm gần 10% so với đầu năm, xuống còn 20.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2%, đạt 15.982 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù tín dụng tăng trưởng âm, Ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý 2, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần mức đạt được cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 56,3 tỷ, gấp 15,6 lần cùng kỳ.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần 6 tháng của Saigonbank đạt 331 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 16 tỷ đồng, giảm 20%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 3 lần, đạt 17 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng 150% đạt 30 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động 2 quý đầu năm của Saigonbank tăng 11,6% đạt hơn 390 tỷ đồng, chi phí hoạt động tăng 9,82% lên 242,7 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 86% xuống còn 6 tỷ đồng. Đây cũng là lý do chính giúp Saigonbank ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Cuối tháng 6/2020, nợ xấu nội bảng của Saigonbank là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.
Ngoài ra, việc tăng vốn để tái cơ cấu khá khó khăn với Saigonbank. Ngay từ năm 2014, Ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ lên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn lên 4.080 tỷ đồng.
Đến tháng 3/2016, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, ngân hàng này chưa tăng được đồng vốn nào.
Trong các năm qua, do hạn chế nguồn vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nên hệ thống này không đáp ứng được yêu cầu phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Do đó, lợi nhuận của Saigonbank cũng trồi sụt thất thường trong những năm qua, cụ thể lợi nhuận năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt đạt 181 tỷ đồng, 43 tỷ đồng, 139 tỷ đồng, 55 tỷ đồng, 41 tỷ đồng và 144 tỷ đồng.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của Saigonbank đến từ các cổ đông lớn nắm tới 65% vốn tính đến giữa năm 2019.
Trong đó, đặc biệt cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18,18% vốn; Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm hơn 16,64% cổ phần Saigonbank và Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16,35%, kế đến là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14,08%. Các cổ đông khác nắm 34,75% cổ phần của Saigonbank.
Thành ủy TP.HCM cho biết, sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong thời gian tới, Thành uỷ TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện Thành uỷ TP.HCM đang có 2 khoản vốn góp tại 2 ngân hàng là SaigonBank, DongABank. Chỉ có điều, để thoái vốn khỏi các tổ chức này cũng không phải việc đơn giản.
Trước đó, các cổ đông lớn đã thoái vốn khỏi Saigonbank gồm: Vietcombank thoái hết 4,3% vốn khỏi Saigonbank để đáp ứng quy định của Thông tư 36; Vietinbank cũng đã thoái toàn bộ 5,48% cổ phần tại Saigonbank vào giữa tháng 9/2019 đáp ứng quy định của Thông tư 36.
Áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn khiến Saigonbank ngày càng khó khăn hơn trong tăng vốn. Khó tăng vốn trong nhiều năm, song Saigonbank vẫn từ chối M&A.
Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2014 đầu năm 2015, thị trường từng có nhiều đồn đoán xoay quanh “cuộc hôn nhân” giữa Saigonbank-Vietcombank, do Saigonbank khó có thể nâng cao năng lực tài chính.
Tuy nhiên, sau những nhùng nhằng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, thông tin đưa ra cổ đông lớn Saigonbank là Thành ủy TP.HCM từ chối sáp nhập vào Vietcombank. Đến nay, khi việc hoàn tất thoái vốn của Vietcombank tại Saigonbank đã đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân trên.
Cùng với thay đổi trong cơ cấu cổ đông, lãnh đạo cốt cán Saigonbank cũng có luân chuyển trong thời gian qua và khả năng sẽ còn biến tục biến động thời gian tới đây.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét