16 thg 7, 2020

Sau 20 năm hoạt động, quy mô Công ty chứng khoán tăng trưởng vượt bậc, nhưng giá cổ phiếu gần như “bất động”

Mặc dù có nhiều bước tiến lớn về quy mô, chất lượng dịch vụ, sản phẩm…nhưng giá cổ phiếu ngành chứng khoán nhìn chung không có nhiều bước tiến kể từ khi niêm yết tới nay.

Cách đây gần 20 năm (ngày 28/7/2000), TTCK Việt Nam đã chính thức mở cửa với quy mô hết sức đơn giản với 2 doanh nghiệp niêm yết (REE, SAM) và 6 Công ty chứng khoán (CTCK) hoạt động, bao gồm CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ACBS, SSI, Chứng khoán Thăng Long - TLS (nay là MBS) và Chứng khoán Đệ Nhất - FSC (nay là Yuanta).

Sau 20 năm vận hành, quy mô thị trường và đặc biệt các CTCK đã có nhiều thay đổi cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng, sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư.

Số lượng CTCK tăng vọt, quy mô vốn tăng hàng trăm lần.

Thời điểm mới thành lập, các CTCK có vốn điều lệ rất nhỏ. SSI khi đó chỉ có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, TLS là 9 tỷ đồng, FSC 40 tỷ đồng, BVSC, ACBS 43 tỷ đồng, BSC 55 tỷ đồng thì đến nay, quy mô vốn của các CTCK này đã tăng lên nhiều lần và hầu hết đều ở ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, SSI đã trở thành CTCK có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ hiện lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. TLS sau khi đổi tên thành MBS cũng tăng vốn lên hơn 1.600 tỷ đồng, FSC sau khi được Yuanta mua lại cũng tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. CTCK có quy mô nhỏ nhất trong 6 cái tên lâu đời nhất tại Việt Nam hiện là BVSC với quy mô hơn 720 tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng về quy mô, số lượng CTCK trên thị trường cũng tăng vọt. Từ khởi điểm chỉ là 6 CTCK, số lượng CTCK trên thị trường Việt Nam có thời điểm lên tới con số hơn 100, trước khi nhiều cuộc sáp nhập, giải thể diễn ra và số lượng CTCK trên thị trường hiện vẫn ở con số rất lớn với 74.


Sự xuất hiện của nhiều CTCK ngoại

Nếu như vào năm 2000, TTCK chỉ có 6 CTCK với 100% vốn nội thì đến nay ngành chứng khoán đã có dấu ấn sâu đậm của các CTCK vốn ngoại. Năm 2013, Maybank KimEng (MBKE) trở thành CTCK ngoại đầu tiên tại Việt Nam có 100% vốn ngoại.

Đến năm 2015, SSI trở thành CTCK đầu tiên nới room ngoại lên mức tối đa 100%. Kể từ đó tới nay, tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại SSI đã nhiều lần vượt ngưỡng 50%. Sau sự kiện nới room của SSI, nhiều CTCK khác trong nước như HSC, VCSC…cũng thực hiện nới room ngoại lên tối đa 100%.

Không những vậy, làn sóng M&A ngành chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chứng khoán Đệ Nhất (FSC), một trong 6 công ty chứng khoán đầu tiên trên TTCK Việt Nam đã được Yuanta (Đài Loan) thâu tóm và nâng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, làn sóng công ty chứng khoán Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam những năm nay cũng khá mạnh, thông qua việc tăng vốn, M&A, có thể kể tới sự hiện diện của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), Chứng khoán KIS, Chứng khoán KB, Pinetree, Shinhan…

Phí giao dịch ngày càng thấp, nhiều CTCK miễn phí giao dịch

Với sự gia tăng về số lượng, cùng với làn sóng cạnh tranh gay gắt từ các CTCK ngoại, cuộc đua thị phần đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ. Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều cái tên mới như Mirae Asset, KB Securities, KIS, Maybank Kimeng, VPS…

Để gia tăng nguồn lực cho vay cũng như thực hiện các sản phẩm phái sinh, hàng loạt CTCK đã tăng vốn lên trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, các CTCK vốn Hàn Quốc với tiềm lực tài chính hùng hậu đã mau chóng vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các tên tuổi trong nước, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin). Trong quý 1 vừa qua, dư nợ cho vay margin của CTCK vốn Hàn Quốc Mirae Asset lên tới hơn 7.100 tỷ đồng, bằng xấp xỉ hai "đại gia" trong nước là SSI và HSC cộng lại.

Không những vậy, cuộc đua phí giao dịch cũng đang diễn ra khốc liệt khi xu hướng giảm phí đang diễn ra mạnh mẽ, thậm chí nhiều CTCK miễn hoàn toàn phí giao dịch cho nhà đầu tư.


Nhiều sản phẩm mới ra đời, áp dụng công nghệ vào hoạt động

Trong giai đoạn đầu những năm 2000, nghiệp vụ hầu hết các CTCK khá đơn giản, chủ yếu xoay quanh hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch thông qua viết phiếu lệnh, đặt lệnh, tổ chức đào tạo kiến thức thì đến nay là một bước tiến vượt trội.

Công việc viết phiếu, nhập lệnh gần như không còn khi mọi hoạt động đã được thực hiện Online. Các báo cáo phân tích được thực hiện chuyên nghiệp, nhiều công ty thực hiện báo cáo bằng tiếng Anh để hỗ trợ cho NĐT nước ngoài.

Về sản phẩm, không chỉ cung cấp thuần dịch vụ môi giới, các CTCK nay đã có nhiều nghiệp vụ khác như Ngân hàng đầu tư (IB), tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành trái phiếu, cung cấp các sản phẩm phái sinh (HĐTL chỉ số VN30, HĐTL trái phiếu chính phủ), Covered Warrant,…Không những vậy, nhiều CTCK cũng đã áp dụng công nghệ vào hoạt động môi giới cũng như tư vấn đầu tư.

Thời gian gần đây, nhiều CTCK đẩy mạnh hoạt động quản lý tài sản cho nhà đầu tư và đây được dự báo là xu hướng tương lai của nhiều CTCK trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư của người dân ngày càng tăng.

Giá cổ phiếu ngành chứng khoán không thay đổi nhiều

Mặc dù có nhiều bước tiến lớn về quy mô, chất lượng dịch vụ, sản phẩm…nhưng giá cổ phiếu ngành chứng khoán nhìn chung không có nhiều bước tiến kể từ khi niêm yết tới nay.

Tiêu biểu như SSI, cổ phiếu đầu ngành chứng khoán hiện chỉ giao dịch quanh mức giá 16.000 đồng/cp, gần như không thay đổi so với thời điểm mới lên sàn vào năm 2007 (tính theo giá điều chỉnh). Tương tự, nhiều cổ phiếu lớn trong ngành như SHS, VND cũng không có nhiều biến động về thị giá so với thời điểm mới lên sàn cách đây khoảng 1 thập kỷ.

BVS, một trong những CTCK đầu tiên trên sàn chứng khoán hiện chỉ giao dịch quanh ngưỡng 10.000 đồng/cp, thấp hơn 85% so với thời điểm lên sàn vào năm 2006 (giá điều chỉnh khoảng 65.000 đồng/cp vào năm 2006).

Cổ phiếu ngành chứng khoán gần như không thay đổi sau nhiều năm

Việc các cổ phiếu ngành chứng khoán không có nhiều biến động có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên từ việc ngành chứng khoán có tính phụ thuộc vào thị trường rất cao, nên biến động KQKD cũng như giá cổ phiếu thường đồng pha với thị trường. Tuy nhiên, kể từ năm 2007 tới nay, chứng khoán Việt Nam khá trồi sụt và vẫn chưa thực sự vượt qua đỉnh 1.200 điểm, điều này khiến cổ phiếu ngành chứng khoán khó có thể tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh từ các CTCK ngoại ngày càng tăng khiến thị phần CTCK nội suy yếu, ít nhiều tác động tới giá cổ phiếu.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét