20 thg 7, 2020

Thập niên mới hướng tới một thị trường chứng khoán bền vững, hiệu quả

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ, UBCK đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để tiếp sức cho TTCK phát triển, sau hai thập kỷ bền bỉ vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông, sau 20 năm phát triển, TTCK đã có đóng góp gì cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp?

Sau 20 năm hoạt động, TTCK đã trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính và nền kinh tế thị trường.

Tính từ lúc TTCK đi vào hoạt động đến nay, đã huy động được 2,7 triệu tỷ đồng, đóng góp 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Riêng trong giai đoạn 2011 đến nay quy mô huy động vốn đạt 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp 14% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Quy mô vốn hóa TTCK có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 64,5% GDP, dư nợ trái phiếu chính phủ niêm yết đạt 19,9% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển rất nhanh.

TTCK đã góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và từng bước gắn cổ phần hóa với niêm yết, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó góp phần đáng kể vào công cuộc tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước.

Cấu trúc của thị trường ngày càng được hoàn thiện với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh.

Tổ chức TTCK đang ngày càng được củng cố, trong đó các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã vận hành hệ thống giao dịch, thanh toán thông suốt, an toàn, không ngừng hoàn thiện các quy trình, quy chế nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

20 năm qua, TTCK Việt Nam phát triển nhanh về lượng và cải thiện về chất, với nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, vươn tầm.

Cùng với sự phát triển của thị trường, số lượng các công ty trung gian trên TTCK cũng tăng mạnh. Ðến nay, có 74 công ty chứng khoán và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động sau quá trình tái cấu trúc.

Hệ thống nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến tháng 6/2020 đạt trên 2,5 triệu tài khoản, trong đó có 33.395 tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài.

TTCK Việt Nam đã chủ động và tích cực hòa mình vào xu hướng hội nhập chung của cả nước thông qua các cam kết hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương lớn, gia nhập và tham gia sâu vào Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), thành viên tích cực và là một phần không thể thiếu của Diễn đàn Các thị trường vốn ASEAN (ACMF)...

Mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần gia tăng khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư, giúp giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế.

20 năm qua, khung khổ pháp lý về TTCK từng bước được hoàn thiện và đồng bộ, từ Nghị định số 48/1998/NÐ-CP cho thời kỳ đầu đến Luật Chứng khoán 2006, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn, cũng như kinh nghiệm và các thông lệ quốc tế.

Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua là một sự tiếp nối đồng bộ hơn, tạo nền tảng cho TTCK phát triển ổn định, vững chắc trong thời gian tới.

Ngoài là kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng cho nền kinh tế, theo nhìn nhận của ông, TTCK đã góp phần cải thiện tính minh bạch của nền kinh tế nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng ra sao?

Từ khi có TTCK, kỷ luật về lập và công bố báo cáo tài chính quý, bán niên và hàng năm được nhấn mạnh và duy trì thường xuyên. Chất lượng hoạt động của kiểm toán báo cáo tài chính luôn được giám sát chặt chẽ.

Doanh nghiệp đã quen dần và thực thi ngày càng tốt hơn các chuẩn mực về quản trị công ty. Do vậy, trong góc nhìn của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý, các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK có mức độ minh bạch khá cao và tiếp cận dần với tiêu chuẩn quốc tế.

Ðặc biệt, chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin, chế độ báo cáo của doanh nghiệp niêm yết đã được ghi nhận và áp dụng rộng rãi trong khối doanh nghiệp nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Do vậy, có thể nói, TTCK ngày càng minh bạch hơn và góp phần cải thiện đáng kể tính minh bạch của nền kinh tế nói chung.

Ðâu là những mục tiêu và giải pháp trọng tâm phát triển TTCK sau tuổi 20, thưa ông?

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, vai trò của TTCK Việt Nam cần tiếp tục được nâng cao, tăng vị thế trong hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Một trong những yếu tố giúp TTCK Việt Nam vững bước là nỗ lực mở rộng hợp tác, học hỏi nhiều thị trường phát triển và các định chế tài chính chuyên nghiệp quốc tế.

Mục tiêu cơ bản là đưa TTCK Việt Nam phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới...

Với phương châm hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, UBCK đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho TTCK phát triển, thu hút nhà đầu tư và là kênh huy động vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Theo đó, UBCK tập trung dự thảo các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán để đảm bảo Luật được đưa vào cuộc sống đồng bộ, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho thị trường phát triển và bảo vệ tốt hơn nữa quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Ðồng thời, triển khai các giải pháp tái cơ cấu TTCK theo Ðề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với tiếp tục phát triển các sản phẩm mới cho thị trường theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt, một nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện Ðề án “Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 32/QÐ-TTg ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ để quản lý, vận hành TTCK một cách an toàn, hiệu quả, chuyên nghiệp hơn; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo đảm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK. Thúc đẩy mở cửa, hội nhập với thị trường khu vực và thế giới, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế; rà soát, hoàn thiện các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam.

Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán

0 comments:

Đăng nhận xét