16 thg 7, 2020

Thông cáo báo chí Tình hình Lao động việc làm Quý II và 6 tháng đầu năm 2020

Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 4 năm 2020.

Tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế). Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ II NĂM 2020

1. Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay[1].

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là 46,8 triệu người, giảm 2,1 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 35,0%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động là 20,9 triệu người, chiếm 44,7% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam. Trong quý II năm 2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi (giảm 3,9% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước). Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,8% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động nam ngoài độ tuổi thậm chí tăng nhẹ (tăng 0,8% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2020 là 72,3%, giảm 3,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 4,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 45,3%; nông thôn: 60,1%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 28,1%; nông thôn: 50,9%). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm ở tất cả các nhóm tuổi; trong đó, nhóm dân số từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm sâu nhất (giảm 10,3 điểm phần trăm) trong khi mức giảm của các nhóm tuổi khác ở khu vực thành thị là dưới 3,0 điểm phần trăm và mức giảm của nhóm tuổi này ở khu vực nông thôn chỉ là 3,8 điểm phần trăm. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã tác động làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2020 là 24,0%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 39,4%, cao hơn 2,4 lần so với khu vực nông thôn (16,2%).

2. Lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua[2]. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm ở ba khu vực kinh tế đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17,0 triệu người (chiếm 32,9%), giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16,0 triệu người (chiếm 30,9%), giảm 497,4 nghìn người so với quý trước và giảm 287,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Dịch vụ là 18,7 triệu người (chiếm 36,2%), giảm 778,1 nghìn người so với quý trước và giảm 642,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm trong quý II năm 2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 năm 2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người). 

Lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người, tương ứng giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người, tương ứng giảm 16,5%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức[3] quý II năm 2020 là 55,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 15,1 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 62,6% và 47,5%. Tỷ lệ lao động nữ làm công việc phi chính thức ở một số ngành dịch vụ khá cao (hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình: 97,7%, giáo dục và đào tạo: 79,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống: 69,0%). Đây là nhóm dễ bị ảnh hưởng hơn so với nam giới khi thị trường lao động chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc về thay đổi chính sách hoặc thiên tai, dịch bệnh.

3. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng
Thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2020 là 1,4 triệu người, tăng 292 nghìn người so với quý trước và tăng 648,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2020 là 2,97%, tăng 0,76 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn cao gấp 1,5 lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 3,36% và 2,22%). Gần một nửa những người thiếu việc làm trong độ tuổi hiện làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 48,2%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm ở khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 5,03%, cao gấp 2,2 lần so với khu vực Công nghiệp và xây dựng và cao hơn 2,4 lần so với khu vực Dịch vụ.

So sánh giữa các nhóm nghề, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thuộc nhóm nghề “bậc thấp” là cao nhất với 4,73%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là nhóm nghề “bậc trung” với tỷ lệ 2,59%, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

So sánh theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là cao nhất với 3,43%, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; nhóm trình độ sơ cấp có tỷ lệ thiếu việc làm là 2,74%, cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

4. Thu nhập bình quân tháng của lao động giảm, là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm thu nhập trong vòng 5 năm qua
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước[4] và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng; lao động ở khu vực thành thị là 6,7 triệu đồng, lao động ở khu vực nông thôn là 4,5 triệu đồng.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 khu vực Dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế; khu vực Công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.

Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong quý II năm 2020 là 5,1 triệu đồng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, tương ứng giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

5. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là gần 1,3 triệu người, tăng 192,8 nghìn người so với quý trước và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là 2,73%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đây là quý có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua[5].

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý II năm 2020 của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý II năm 2020 của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao.

Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp trong quý II năm 2020 là 410,3 nghìn người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý II năm 2020 là 6,98%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp gần 3,6 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,09%, tăng 1,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,46 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết gọn là tỷ lệ NEET, tiếng Anh: Youth not in employment, education or training) trong quý II năm 2020 là 12,7%, tương đương với gần 1,37 triệu người; tăng 0,9 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ NEET ở khu vực thành thị thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn, ở nam thanh niên cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với nữ thanh niên.

II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

1. Lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2020 đạt 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 34,3%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,5 triệu người, chiếm 44,9% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 13,0 triệu người, chiếm 23,9%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

2. Lao động có việc làm giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2019
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 là 53,0 triệu người, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn, giảm gần 1,2 triệu người. Lao động nữ giảm 877,4 nghìn người, mức giảm này cao gấp 1,8 lần so với lao động nam (lao động nam giảm 498,0 nghìn người). 

Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2020 trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 17,6 triệu người, (chiếm 33,2%), giảm hơn gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 30,7%), tăng 178,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Dịch vụ là 19,1 triệu người (chiếm 36,1), giảm 257,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020 là 55,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn là 62,1%, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2020 là 2,58%, tăng 1,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tăng 1,2 điểm phần trăm.

3. Thu nhập của người lao động giảm
Thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5,5 triệu đồng, giảm 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,2 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong 6 tháng đầu năm 2020 là 6,7 triệu đồng, giảm 11 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

4. Thất nghiệp tăng lên
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 123,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 2,47%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 là khoảng 451,6 nghìn người, chiếm 36,8% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm 2020 là 7,0%, tăng 0,43 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,45%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.


Nguồn Tổng Cục Thống Kê

0 comments:

Đăng nhận xét