15 thg 7, 2020

Tổng giám đốc Vietnam Airlines: "Chỉ có một câu ngắn gọn là tê liệt, đóng băng"

Doanh thu giảm một nửa, dòng tiền thâm hụt tương đương vốn điều lệ, Vietnam Airlines khẩn thiết xin Chính phủ hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng.

Chiều nay, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức toạ đàm “Chủ sở hữu nhà nước: hành động và trách nhiệm hậu Covid-19” trường hợp Vietnam Airlines.

Tại toạ đàm, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đã nêu ra những khó khăn "chưa từng có" của ngành hàng không do tác động bởi Covid-19 và đề xuất được Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng để có thể tháo gỡ khó khăn của hãng hàng không quốc gia.

Covid-19 khiến ngành hàng không thế giới tê liệt, cần 3 năm nữa mới về mức 2019
Theo ông Dương Trí Thành, tính đến tháng 5/2020, Covid-19 đã "đốt" gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hoá của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các Chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không.


Theo Biểu đồ của IATA, doanh thu của các hãng hàng không thế giới dự kiến giảm 419 tỷ USD và lỗ khoảng 84 tỷ USD trong năm 2020, trong đó khu vực Châu Á Thái Bình Dương lỗ khoảng 29 tỷ USD.

Cũng theo số lượng của IATA, tổng sản lượng của ngành hàng không trong tháng 4 giảm 94% so với cùng kỳ 2019, sang tháng 5 mặc dù có sự hồi phục nhẹ nhưng vẫn giảm 91,3% so với năm 2019. 

"Chỉ có một câu ngắn gọn là tê liệt, đóng băng", ông Thành nhận định về thực trạng của ngành hàng không hiện tại.

Ngành hàng không cần 3 năm nữa mới quay về mức trước Covid.

Ông Thành nhận định, ngành hàng không toàn cầu cần 3 năm nữa mới về mức 2019. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng của GDP toàn cầu, thì sản lượng khách.km toàn cầu có tỷ lệ giảm mạnh hơn trong năm 2020 do hiệu ứng sợ hãi và các mệnh lệnh hành chính của Chính phủ. Do đó ông Thành cho rằng, các giải pháp để phục hồi ngành hàng không thì ngoài củng cố niềm tin của khách hàng vào sự an toàn thì gốc của vấn đề vẫn là kinh tế.

Hậu quả của Covid-19 đó là ngành hàng không thế giới, đang từ lãi 30-35 tỷ/năm trong giai đoạn 2015 đến 2019 thì đến năm 2020 có thể lỗ tới hơn 80 tỷ USD.

Từ thời hoà bình lập lại năm 1975, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít như thế
Đánh giá tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành cho biết tập đoàn có lãi liên tục từ 2010 và ngày càng tăng trưởng, nhưng đến năm 2020 dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng. Con số này đã được tính toán bao gồm các giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao theo Nghị định mới và áp dụng chính sách thuế xăng dầu (giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ).

Dự báo KQKD của Vietnam Airlines

Sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế từ ngày 23/3 thì từ ¼ đến nay Vietnam Airlines không có doanh thu vận tải hàng không quốc tế, khách quốc tế tháng 6 giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Với thị trường nội địa, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và không có bệnh nhân nào tử vong, nhu cầu du lịch nội địa đã bật tăng trở lại nhưng theo ông Thành, sản lượng khách nội địa mới đạt 84% so với tháng 6/2019 và doanh thu tháng 6 năm nay chỉ bằng 46% so với cùng kỳ năm trước.

"Cạnh tranh rất mạnh, Vietnam Airlines có nhiệm vụ kép vừa kích cầu du lịch nội địa, mở các đường bay ngắn để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhân dân đi lại với giá bán rất rẻ. Nhưng có tính thời điểm, nếu vào năm học mới thì lượng khách cũng sẽ giảm", ông Thành chia sẻ.

Ở Việt Nam, lạc quan hơn tình hình chung thế giới vì chúng ta có thị trường nội địa rất lớn. Quốc tế phục thuộc vào các nước đối tác, nếu các chính sách không tương đồng, các nước không kiểm soát dịch bệnh, thì thị trường nội địa có thể quay về mức trước khi có dịch từ năm 2021, nhưng quốc tế phải hết năm 2022 đặc biệt các đường bay dài như Châu Âu, UK, Pháp, Đức. Ông Thành đánh giá, khách du lịch từ Châu Âu sang Việt Nam thường là khách lớn tuổi và một khách đến sẽ chi nhiều, lan toả sang những ngành khác. "Ở các nước khác cũng chọn ít nhất 1-2 hãng để giải cứu".

Theo ông Thành, tác động của Covid-19 đến Vietnam Airlines là "khủng khiếp". "Từ thời hoà bình lập lại năm 1975 chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít như thế, ngay sau giải phóng đã có 50 máy bay A36 bay rợp trời, còn tình hình hồi tháng 4 mỗi ngày chỉ bay 3 chuyến, Hà Nội – Sài Gòn – Đà Nẵng, chưa bao giờ bay ít như thế này", ông Thành chia sẻ về khó khăn của Vietnam Airlines.

Mặc dù thị trường nội địa hồi phục, tuy nhiên tổng sản lượng và cung ứng nói chung so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm một nửa. Số lượng khách giảm 34% nhưng phần lớn là khách đường ngắn giá rẻ kích cầu, do đó so với sản lượng gốc giảm 53%. Vì một đường Châu Âu bằng mười mấy lần đường nội địa, và doanh thu cả hàng hoá và hành khách từ 100.000 tỷ giảm còn 50.000 tỷ, nếu không có những biện pháp mạnh và kịp thời thì con số lỗ có thể lên đến 20.000 tỷ.

Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ
Vietnam Airlines đã đưa ra một loạt các giải pháp để giảm các chi phí cố định, như xin Chính phủ giãn thời gian khấu hao trong thời gian máy bay không hoạt động, bố trí lại sản xuất như cho nghỉ phi công nước ngoài, lãnh đạo đi làm không lương, nhân viên tháng 4-5 thì 80% nghỉ ở nhà…các chi phí về nhân sự giảm được 1.700 tỷ, đàm phán với các công ty cho thuê khoảng 2.300 tỷ, tiết kiệm nhiên liệu bay khi giá dầu xuống thấp…

Ngoài các chi phí cố định, tiền thuê tàu bay vẫn phải trả thì đặc thù của ngành hàng không là tiền mua vé máy bay của hành khách trả trong tương lai. Khi các đường bay quốc tế bị huỷ, khách hàng đòi hoàn vé đã khiến dòng tiền của Vietnam Airlines đi vào suy kiệt. Theo ông Thành, dòng tiền dự trữ của các hãng hàng không lớn trên thế giới tương đương 2 tháng doanh thu, trong trường hợp của Vietnam Airlines doanh thu 1 tháng khoảng từ 10.000 – 15.000 tỷ. Dự kiến dòng tiền thâm hụt khoảng 16.000 tỷ (trên vốn điều lệ 14.000 tỷ), thời điểm này đến cuối tháng 8 hết sức khó khăn về thanh khoản và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng", ông Thành nêu thực trạng về tình hình hụt thanh khoản của Vietnam Airlines thời điểm hiện tại.

Vietnam Airlines dự báo năm 2020 có thể lỗ hết vốn điều lệ, đánh bay thành quả của toàn bộ 10 năm trước.

CP và bộ ngành thống nhất giải pháp liên quan đến chính sách thuế, những giải pháp cho Bộ giao thông, bộ tài chính giảm phí khai thác sân bay, VNA có trao đổi với chủ sở hữu là hãng ANA của Nhật về việc hỗ trợ vốn, hãng này đầu tư vào VNA 8,6%, nhưng ANA thậm chí còn khó khăn hơn, họ cũng đang đi vay 10 tỷ USD cho hoạt động của chính mình và không thể có nguồn tiền tăng vốn và cho vay được. Do đó Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ Việt Nam có giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét