Tín dụng 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng tăng chậm, trong đó không ít nhà băng chưa thoát tăng trưởng dư nợ âm, song nợ xấu có dấu hiệu tăng do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, mặc dù tín dụng tăng trưởng âm 2,79%, song nợ xấu nội bảng của Saigonbank đến hết 30/6 là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.
Về tình hình chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6/2020 tăng 20% so với đầu năm nay khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,29% lên mức 1,47%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lần lượt tăng 47% và 22%. Riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm.
Tại Kienlongbank, chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của Ngân hàng đến hết quý II/2020 gấp 6,6 lần so với đầu năm, tăng lên mức 2.250 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gấp 9 lần đầu năm, ghi nhận gần 2.146 tỷ đồng.
Theo giải trình của Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn, có 1,896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định 2595/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Kienlongbank tăng mạnh từ 1,02% lên 6,59%.
Nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6 của Sacombank là 6.682 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ so với đầu năm (tức tăng gần 17%). Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh 185% lên 851 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%.
Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của VietBank đến hết tháng 6/2020 cũng tăng 50% so với đầu năm, ghi nhận gần 807 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 72%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 51%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của VBB tăng từ mức 1,32% hồi đầu năm lên 1,88%.
Trong quý II/2020, VietBank phải trích lập hơn 11 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 2 tỷ đồng. Kết quả làm cho lợi nhuận trước và sau thuế trong quý II giảm mạnh 61% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 58 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của VietBank chỉ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 288 tỷ đồng và 229 tỷ đồng.
Nợ xấu cũng tăng tại các nhà băng quy mô lớn, do ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho thấy, tổng nợ xấu của Vietcombank đến hết quý II/2020 tăng 11% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56% so với đầu năm.
Tại ngày 30/6/2020, nợ xấu của ACB là 1.918 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.
Nợ xấu của Eximbank tính đến 31/3/2020 tăng 4% so với đầu năm nay, ghi nhận gần 2.018 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 6%) và nợ nghi ngờ (tăng 25%). Dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Ngân hàng tăng lên 1,85% so với 1,71% hồi đầu năm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế và trích bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC đạt 1.918 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận trước thuế là 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.
Eximbank cũng sẽ tập trung xử lý nợ đã bán cho VAMC, đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của NHNN.
Trong khi đó, vẫn có một số ngân hàng có nợ xấu giảm như VPBank, SeABank.
Cụ thể, đến hết tháng 6/2020, tổng nợ xấu của VPBank giảm 2% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,42% xuống mức 3,19%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm 11% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 10%. Trái lại, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 47%.
Tương tự, tổng nợ xấu của SeABank 6 tháng đầu năm 2020 giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn 2.190 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 10%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm đến 42%, trong khi nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại tăng 24%.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của SeABank giảm từ mức 2,31% hồi đầu năm xuống còn 2,23%.
Nợ xấu tăng là điều khó tránh khỏi.
Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng.
Hay nói cách khác là ngân hàng được phép cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ đến hết tháng 9/2020. Do đó, các nhận định đưa ra từ chuyên gia kinh tế - tài chính, nợ xấu của ngân hàng được dự báo sẽ tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa phản ánh hết được.
Tín dụng năm 2020 được đánh giá khó tăng ở mức cao, song nợ xấu được cảnh báo gia tăng do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không thể trả nợ đúng hạn, cho dù các ngân hàng đã tái cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh thị trường có dịch bệnh thì nợ xấu tăng là điều khó tránh, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận ở một mức phù hợp, chứ không thể quay lại bài toán nợ xấu cao như thời điểm trước đây.
Thực tế cho thấy, trước bối cảnh dịch Covid-19 tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. NHNN cũng đã tiên liệu về nợ xấu của ngành sẽ đi lên trong mức kiểm soát được 3-4% năm nay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế - tài chính đưa ra nhận định, không chỉ với ngành ngân hàng nỗ lực tái cơ cấu nợ mà đây cũng là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống các doanh nghiệp để ngân hàng có cái nhìn đầy đủ hơn vào năng lực tài chính, có nguồn trả nợ, sinh sôi nảy nợ, thực sự là doanh nghiệp thủy chung với ngành ngân hàng.
Nguồn Tin Nhanh CHứng KHoán
0 comments:
Đăng nhận xét